Có một Tết Trung thu đặc biệt

20/09/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Tết Trung thu 2021 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, đó là dịch COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp. Mùa “trăng tròn” năm nay sẽ đặc biệt hơn đối với nhiều em nhỏ khi không có các hoạt động rước đèn ông sao, hoạt động vui chơi... mà thay vào đó, nhiều nhà trường, gia đình đã có những cách tổ chức Trung Thu riêng, phù hợp với thực tiễn.

Trường Tiểu học Ba Đình với cuộc thi ảnh “Trung thu của em”. Ảnh: Thùy Linh

Trung thu năm nay các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội không tổ chức tập trung “Đêm hội trăng rằm” như hằng năm mà thay vào đó là các hoạt động thiết thực chăm lo trẻ em hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng các đơn vị tài trợ đã phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức chương trình tặng quà cho 2.181 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các quận, huyện và đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 8 làng, trung tâm trên địa bàn Thành phố.

Cùng với các hoạt động thiết thực hướng tới trẻ em hoàn cảnh khó khăn, để trẻ em trong toàn tỉnh đón một Trung thu an toàn, đầm ấm, ở mỗi địa phương, tổ dân phố hay các trường học đều có cách làm phù hợp với thực tiễn. Trước đây, nhiều tổ liên gia, liên khu phố ở thành phố Hà Nội tổ chức liên hoan, ăn cỗ và múa lân sư tử nhưng năm nay vì dịch bệnh, nhiều nơi gửi quà, bánh trung thu tới từng gia đình có trẻ nhỏ, vừa thể hiện sự quan tâm mà an toàn chống dịch.

Ở các trường học, năm học mới vừa bắt đầu và yêu cầu về phòng, chống dịch nghiêm ngặt nên ngành chỉ đạo không tổ chức hoạt động đón Tết Trung thu tập trung. Thay vào đó, nhà trường, hội phụ huynh và mỗi lớp tùy điều kiện vẫn có thể cho các em đón Trung thu theo cách riêng.

Hiện nhiều trang thông tin chính thức của các trường học đã đổi hình nền về Đêm hội trăng rằm và những thông tin về ngày hội để truyền cảm xúc, tinh thần hào hứng cho học sinh. Sự sáng tạo được thể hiện ngay ở chủ để của các chương trình như:  “Điều ước dưới trăng” (Tiểu học An Dương Vương, huyện Đông Anh); “Trung thu của em- mùa trăng giãn cách” (Tiểu học Nhật Tân, quận Tây Hồ); “Trăng yêu thương - Hương vị tình thân” (Phổ thông Liên cấp Hanoi Adelaide School- HAS, quận Đống Đa); “Trung thu của em” (Tiểu học Ba Đình, quận Ba Đình); “Vui hội Trăng rằm” (Tiểu học Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy)…

Các bạn nhỏ trường Tiểu học Ba Đình tham gia cuộc thi ảnh “Trung thu của em”. Ảnh: Thùy Linh

Nội dung các chương trình trung thu cũng mang nhiều màu sắc của riêng biệt, đặc trưng của từng trường như: Thi ảnh, vẽ tranh, kể chuyện, thuyết trình, trang trí…. Tất cả sẽ mang đến một Trung thu online đầu tiên đầy trải nghiệm, yêu thương, gắn kết và đề cao yếu tố an toàn phòng chống dịch bệnh cho học sinh.

Ngoài tham gia các cuộc thi online với những chủ đề Trung thu lý thú của trường học thì việc nhiều gia đình tổ chức Trung thu tại gia cho các con cũng đã khiến không khí Trung thu ngày dịch có phần đầm ấm hơn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ, mọi năm, cứ dịp Tết Trung thu là gia đình chị thường cho các con đi chơi và ra phố mua đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, trống cơm,…Nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên chị đã quyết định tổ chức Trung thu, cùng các con làm bánh Trung thu tại nhà.

“Khi làm bánh, tôi vừa có thể kể cho con nghe về những giá trị truyền thống của ngày Tết Trung thu, những thức quà không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng, vì sao lại có bánh nướng, bánh dẻo,… Cách giáo dục này đơn giản, song lại khá hấp dẫn các con. Tôi chia nhiệm vụ mỗi người một công đoạn, từ nhào bột, làm nhân bánh, đúc khuôn… rồi hồi hộp chờ đợi mẻ bánh đầu tiên ra lò, tận tay đi biếu ông bà để bày tỏ lòng hiếu nghĩa. Các con tôi rất hào hứng và thích thú với những sản phẩm mình làm ra”, chị Ngọc vui vẻ nói.

Gia đình anh Thắng tổ chức Trung thu tại nhà cho các con. Ảnh: Thùy Linh

Cũng muốn tạo nên một Tết Trung thu đặc biệt và ý nghĩa cho các con khi không được ra ngoài chơi, anh Lê Đình Thắng (Thường Tín, Hà Nội) đã cùng con trai tự tay làm chiếc đèn lồng bằng các vật dụng có sẵn trong nhà như các chai nhựa đã dùng hết, các sợi dây thép nhỏ còn dùng thừa,… Anh Lê Đình Thắng chia sẻ: “Mặc dù chiếc đèn lồng không được đẹp như mua ngoài hàng nhưng con tôi rất vui và hào hứng với sản phẩm tự tay 2 cha con cùng làm ra”.

Theo anh Thắng, việc cùng các con làm đồ chơi trung thu, ngoài tạo niềm thích thú cho các con còn giúp các con của anh biết tái chế các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, đồng thời tạo sự gắn kết trong các thành viên gia đình.

Sau khi làm xong chiếc đèn lồng, gia đình anh chị và các con đã cùng nhau phá cỗ đón Trung thu. “Mâm cỗ trông trăng đơn giản với các loại hoa quả đặc trưng có sẵn ở trong vườn nhà như: Bưởi, ổi, đu đủ… sang hơn thì có thêm vài gói kẹo, thạch. Đơn giản lắm nhưng đầm ấm, quây quần.”, anh Thắng nói.

Thiết nghĩ, để có một Tết Trung thu vẹn tròn ý nghĩa của sự đoàn viên thì không phụ thuộc vào sự đầy đủ vật chất, mà quan trọng là cách mà các thành viên chăm sóc cho nhau, tạo được một không khí ấm cúng, yêu thương trong gia đình.

Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà người lớn quên đi Tết Trung Thu đoàn viên bên gia đình, trẻ con đánh mất sự háo hức vui mừng. Dẫu mâm cỗ không được đủ đầy, trẻ con không được xem múa lân, đi rước đèn, phá cỗ cùng bạn bè... nhưng các em đã có một mùa Trung Thu đặc biệt khi được hưởng sự nồng ấm trọn vẹn trong vòng tay cha mẹ, được bảo đảm an toàn trong dịch bệnh.

Hơn thế nữa, Tết Trung thu năm nay vẫn ấm áp tròn đầy, bởi cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm cũng đã huy động các nguồn lực trao quà tặng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con em những người đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch… Với những hoạt động thiết thực đó, năm nay sẽ vẫn là một mùa trăng ấm áp, vui tươi đối với các em nhỏ và sẽ có nhiều mùa Trung thu khác, khi cả nước kiểm soát và chiến thắng được đại dịch COVID-19.

Thùy Linh

Top