Công dân Thủ đô ưu tú cần mẫn, sáng tạo và giàu nhiệt huyết

30/12/2018 12:16 AM

(Chinhphu.vn) – Là Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ, điện thuộc Phân xưởng thiết bị công nghệ, Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất, ông Nguyễn Đức Cường là một tấm gương lao động sản xuất giỏi, cần mẫn, sáng tạo. Mới đây, ông vinh dự được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.

Ông Nguyễn Đức Cường luôn cần mẫn với công việc của mình. Ảnh: Diệu Anh

Có dịp được trò chuyện với ông Nguyễn Đức Cường, chúng tôi mới thấy hết được sự nhiệt huyết, đam mê của ông đối với nghề sửa chữa điện. Ông Cường kể, từ nhỏ ông đã được người cha là kỹ sư từng công tác tại Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo. Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông tiếp tục theo học nghề sửa chữa điện. Là người ưa tìm tòi, học hỏi, được kế thừa nhiều trong lĩnh vực kỹ thuật, lại được phân công công việc theo đúng đam mê, sở thích… ngay từ những ngày đầu vào làm việc tại Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất, người công nhân trẻ (khi đó mới 17 tuổi) đã phát huy được năng lực bản thân.

Công ty Cổ phần Điện cơ Thống nhất là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam, ngoài ra Công ty sản xuất các đồ điện điện tử, điện lạnh, điện dân dụng… Là công nhân bậc 7/7, có hơn 40 năm gắn bó với Công ty, ông Nguyễn Đức Cường đã có nhiều sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, góp phần đưa thương hiệu Điện cơ Thống Nhất ngày càng phát triển, đứng vững trên thị trường.

Chia sẻ về những sáng kiến, sáng tạo mà ông tâm đắc nhất, ông cho biết, số lượng sáng kiến của ông khá nhiều nhưng ông tâm đắc nhất là sáng kiến máy ép thủy lực tự động dùng cho dây chuyền làm quạt trần.

Ông Cường hồi nhớ: “Vào năm 2013, tôi cùng với các công nhân trong tổ đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo ra máy ép thủy lực tự động cho quạt trần. Sản phẩm này nếu mua ở nước ngoài có giá lên đến 300 triệu đồng, nhưng với nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của mình cùng anh em trong tổ, sản phẩm đã được chế tạo thành công trong nước, với giá chỉ bằng 1/5 giá trị sản phẩm nhập ngoại. Qua đó, không chỉ rút ngắn được thời gian sản xuất, chế tạo máy từ mất cả tháng xuống còn 15-20 ngày, mà còn tiết kiệm và làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt hơn, toàn bộ các chi tiết để chế tạo đều là các sản phẩm nội địa 100%".

Hay như sáng kiến đối với bình khí nitơ áp lực cao dùng cho máy đúc 250 tấn vào đầu năm 2017 (nếu không có bình khí nitơ máy sẽ không hoạt động được), giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng kịp thời cho sản xuất.Với sáng kiến này, ông Cường cùng tổ sửa chữa thiết bị công nghệ do ông làm tổ trưởng đã được lãnh đạo và công đoàn công ty khen thưởng.

Tuy vậy, cũng có thời điểm ông phải nghĩ đến việc bỏ nghề như bao anh em công nhân khác do xí nghiệp gặp khó khăn, công nhân không có lương… Nhưng, cái duyên với nghề làm thợ sửa chữa vẫn cuốn hút ông cho đến tận hôm nay. Cùng công ty trải qua bao khó khăn, thăng trầm cũng như những lúc phát triển, thăng hoa, hiện ông là thợ sửa chữa thiết bị cơ điện bậc 7/7, được phân công quản lý hơn 600 máy móc, thiết bị, trong đó nhiều thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, giá trị 4-5 tỷ đồng/chiếc.

Có được những sáng kiến, sáng tạo trong công việc là niềm vui rất lớn của anh em công nhân lao động. Nhưng, khi những sáng kiến ấy được áp dụng thành công vào công việc, thì niềm vui còn được nhân lên gấp bội. “Vui nhất là những tâm huyết của mình và anh em công nhân lao động trong tổ sản xuất đã được lãnh đạo công ty quan tâm lắng nghe, ủng hộ và khích lệ. Chính sự động viên kịp thời này đã giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của công ty”, ông Cường chia sẻ.

Hơn 40 năm trong nghề là chừng đó thời gian ông gắn bó với công việc vận hành, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị máy móc mới, được sống trọn vẹn với đam mê, sáng tạo. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, ông phải tự mày mò, tìm tòi kiến thức cho bản thân.

Không chỉ học kinh nghiệm từ những người thợ đi trước, ông còn trau dồi kiến thức thông qua sách vở, học hỏi đồng nghiệp. Ông cũng rất tâm huyết truyền nghề cho những lao động trẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Ông Nguyễn Đức Cường, cho biết: “Bước vào nghề phải yêu nghề, đam mê nghề nghiệp, tự học hỏi, kiên trì trong mọi công việc, đừng bao giờ nản. Có lúc sửa chữa không được hãy hỏi thầy, hỏi bạn, đồng nghiệp, tự bản thân học, mày mò nghiên cứ thì mới thành công được. Nhất là thời kỳ công nghệ 4.0 này chúng tôi phải học rất nhiều vì máy móc rất hiện đại, tự động hoàn toàn. Ai làm được như thế thì cũng sẽ được khen thưởng như tôi thôi”.

Với những cống hiến của mình, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được TP. Hà Nội công nhận Bằng sáng kiến, sáng tạo các năm 2010, 2012, 2016; danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2011, 2012, 2014, 2017; năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2018, ông vinh dự được UBND TP. Hà Nội tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.

Diệu Anh

Top