Củng cố hệ thống thú y Hà Nội

30/03/2021 3:03 PM

(Chinhphu.vn) – Là vùng chăn nuôi thuộc top đứng đầu cả nước, hiện Hà Nội đang đi đầu về những ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để bảo vệ những thành quả này, chăn nuôi Hà Nội đòi hỏi phải có một hệ thống thú y đảm bảo để phát triển ngành trong tương lai.

Nhân viên thú y cơ sở sẽ được nâng cao năng lực theo đề án mới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ những bất cập trong cơ cấu tổ chức

Hiện nay, việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn một số bất cập. Ở một số tỉnh mới đây đã sáp nhập chi cục chăn nuôi thú y và một số chi cục thủy sản thành một chi cục để thu gọn đầu mối; một số nơi sáp nhập chi cục thú y và chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trung tâm khuyến nông và trung tâm thủy sản thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh; một số tỉnh khác lại giữ nguyên Chi cục Thú y không sáp nhập...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay trong Luật thú y quy định, chỉ thực hiện làm vệ sinh thú y ở các cơ sở giết mổ, vì vậy lực lượng nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y cấp phường không phải đi kiểm tra ở các nhà hàng, khách sạn. Thêm vào đó, ngày 7/7/2020, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về vùng cấm chăn nuôi trong nội thành. Do đó hoạt động của nhân viên thú y cấp phường sẽ giảm đầu việc. Vì vậy, từ 1/1/2020, theo quy định sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y của 177 phường.

Theo quy hoạch vùng chăn nuôi của Hà Nội có nhiều nơi không còn được cấp phép để chăn nuôi nên về nhân lực, lực lượng cán bộ này không còn cần thiết trong ngành. Ngày 17/11/2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Công văn số 3732/SNN-TCCB gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chấm dứt hợp đồng lao động đối với 154 nhân viên kỹ thuật thú y chăn nuôi cấp xã thuộc vùng không được phép chăn nuôi.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc cắt giảm các nhân viên hợp đồng lao động này là thực hiện theo chủ trương của TP. Hà Nội, Sở NN&PTNT không có quyền quyết định. Việc dôi dư lao động là do quy định, trên địa bàn các quận không được tổ chức chăn nuôi nên cán bộ thú y cấp phường, thị trấn phải giải thể.

Được biết, ngày 9/11/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội có Tờ trình về việc đề nghị tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động đối với số nhân viên thú y này. Tại cuộc họp giữa các Sở liên ngành gồm Sở Nội vụ, Tài chính và NN&PTNT vào ngày 16/11/2020, Sở NN&PTNT kiến nghị tiếp tục ký hợp đồng lao động với các nhân viên thú y này nhưng không được chấp thuận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù các quận nội thành cấm chăn nuôi nhưng lực lượng nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y cấp phường vẫn có vai trò nhất định. Ngoài vai trò là thành viên của các đoàn công tác về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, lực lượng này còn phối hợp với các huyện trong việc kiểm soát thực phẩm ở nội thành để quản lý dịch bệnh. Đặc biệt, TP. Hà Nội đang thực hiện xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại các quận nội thành, vì vậy vai trò của các nhân viên này rất quan trọng trong việc quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng.

Mặt khác, việc đột ngột chấm dứt hợp đồng sẽ khiến đời sống của lực lượng nhân viên thú y này gặp khó khăn. Bởi đây đều là cán bộ đã công tác nhiều năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.

Hướng mở cho ngành Thú y

Để đảm bảo quyền lợi, việc làm cho lực lượng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đang đề xuất lên TP. Hà Nội và các Sở, ngành, chuyển toàn bộ 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y này sang hoạt động không chuyên trách, chế độ do Thành phố quy định, được tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ, thì các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể bị lây lan giữa các quốc gia một cách nhanh chóng thông qua các con đường như buôn lậu động vật qua biên giới, hoặc qua người du lịch từ nước này sang nước khác.

Hay vấn đề biến đổi khí hậu hay những tác nhân gây ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều loại bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng lây sang người ngày càng tăng cao. Ngay cả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày nay cũng chính là vấn đề nóng cần được giải quyết, đặc biệt là những thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Trong tương lai không xa con người sẽ phải đối mặt với các dịch bệnh từ động vật lây sang người rất lớn, đặc biệt là những dịch bệnh do siêu vi trùng gây ra. Cho nên, lĩnh vực thú y và khoa học thú y ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội ngày nay.

Trước thực tế này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó mục tiêu chung được đề ra là hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đây là một quyết định được toàn thể cán bộ trong ngành thú y mong chờ. Việc thực thi đề án sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra, nhưng quyết định nâng cao năng lực ngành cho thấy tầm nhìn của Chính phủ về công tác thú y và đặt công tác này lên một tầm cao mới với các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đỗ Hương

Top