Dành trọn tâm huyết nghiên cứu bảo tồn văn hóa truyền thống

10/10/2021 7:46 PM

(Chinhphu.vn) – Khi được hỏi về những dấu ấn trong sự nghiệp nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Việt Nam, Giáo sư, Anh hùng lao động Hoàng Chương, người vừa được trao tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú cho biết, đó là những công trình nghiên cứu bảo tồn văn hóa truyền thống của Hà Nội.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương

Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam từng được cố Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đánh giá rằng: “Không có bản báo công nào ghi hết thành tích của Giáo sư Hoàng Chương", như là lời vinh danh đối với một người đã miệt mài vì sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Sinh ra trên mảnh đất Bình Ðịnh, Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương dành trọn tình yêu cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương có nhiều công trình khoa học đã xuất bản và được dư luận đánh giá cao như: Đi tìm vẻ đẹp của Sân khấu dân tộc, Tuồng và Võ thuật Dân tộc, Nghệ thuật Bài chòi, Tuồng, báu vật của văn hóa dân tộc… Ngoài ra, mỗi năm ông còn có trên dưới 40 bài báo trên tạp chí Văn hiến Việt Nam và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương khác và hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn trên các Đài truyền hình về các vấn đề cấp thiết của văn hóa xã hội Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Ông tham gia giảng dạy ở nhiều trường nghệ thuật trong nước và là người duy nhất được mời giảng cho sinh viên Mỹ hằng năm sang thực tập tại Việt Nam về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nhiều năm qua ông được các tổ chức tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… mời sang thuyết giảng về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa và con người Thủ đô nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương cũng là người đã lập và đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai thực hiện 2 dự án lớn “Sân khấu học đường” và “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” nhiều năm ở nhiều tỉnh, thành trong nước.

Tháng 6/2000, sau khi về hưu, Giáo sư Hoàng Chương sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, đến năm 2019 chuyển thành Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Trong 20 năm qua (2000 - 2020), Viện có nhiều thành tựu nổi bật, nhất là về nghiên cứu khoa học, đồng thời phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo khoa học về các danh nhân, anh hùng dân tộc, văn nghệ sĩ nổi tiếng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống…

Là Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến Việt Nam, với vai trò là người “thuyền trưởng”, ông đã tập hợp được hàng chục giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ, kể cả những giáo sư nổi tiếng ở nước ngoài như Trần Văn Khê, Thái Kim Lan, Nguyễn Thuyết Phong, Mecgaet, Batresser và nhiều NSND, NSƯT tham gia hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, lưu giữ và phát huy những nét đặc sắc của sân khấu truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, bài Chòi, múa rối nước, dân ca Bắc Trung Nam...

Tuy rất bận rộn nhưng ông vẫn là linh hồn của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani và Hội đồng hương Bình Định trên đất Bắc. Với vai trò và trọng trách ấy, Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương luôn có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như hỗ trợ cho học sinh nghèo học giỏi ở Bình Định, giúp đỡ những người gặp khó khăn, nghèo túng... Đặc biệt, giải thưởng Đào Tấn ra đời nhằm tôn vinh danh nhân văn hóa dân tộc và động viên những người có cống hiến đáng kể cho nền văn hóa dân tộc là do ông sáng kiến và chủ trì. Song song đó, ông còn tham gia vào nhiều hoạt động xã hội từ thiện, như tham gia thành lập Quỹ từ thiện Quốc tế Shinhop do diễn viên, nghệ sĩ tài năng Lý Nhã Kỳ làm Chủ tịch. Đây là một trong những Quỹ từ thiện tài trợ về y tế, giáo dục và giải phẫu miễn phí cho trẻ em khiếm thị trong cả nước.

Sinh sống, làm việc và gắn bó với Hà Nội, bởi thế với ông dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu văn hóa của mình là những công trình nghiên cứu về Hà Nội. Đó là vở Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long; phục hồi múa cổ Hà Nội; hỗ trợ nghệ nhân Trần Minh ở Quảng Nam làm công trình Thăng Long vạn đồ mỹ thuật, nghệ sĩ Ngọc Nam phục hồi tuồng cổ ở Hà Tây, nghệ sỹ múa rối ở Đông Anh phục hồi và phát huy mua rối nước…

Suốt một đời nghiên cứu, được biết phương châm của ông là với bất cứ công việc gì đều phải sắp xếp một cách khoa học. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sức khỏe và sức làm việc của Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương dường như không biết mệt mỏi. Ông vẫn luôn muốn dành cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ điều trăn trở của mình, ông vẫn nghĩ về những công trình đã và đang thực hiện như là Chỉ đạo các dự án phục hồi chuông ở Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội hay công trình trang phục người Hà Nội xưa và nay.

Danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú được trao cho Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô là sự ghi nhận của thành phố Hà Nội dành cho người con Bình Định đã dành nhiều tâm sức cho bảo tồn văn hóa Hà Nội và Việt Nam. Giáo sư sẽ luôn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho những người làm văn hóa nghệ thuật và lớp trẻ Hà Nội.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương tên đầy đủ là Trương Hoàng Chương, sinh năm 1934 tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Từ năm 1950 - 1951, ông tham gia thiếu sinh quân, học và vào Đoàn văn công Liên khu 5. Năm 1962 - 1964, ông tập kết ra Bắc, sau đó du học ngành sân khấu tại Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nga, trở về nước ông học thêm ngành Văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp về công tác tại Bộ Văn hóa.

 Từ năm 1969 - 1973, ông làm nghiên cứu sinh về sân khấu ở Rumani. Từ 1973 - 1998, ông lần lượt đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong ngành sân khấu, trong đó chức vụ cao nhất là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam.

Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin và Huy chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” năm 2001; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2000; Huân chương lao động hạng Nhất năm 2005; Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2020.

Mới đây, Giáo sư, Anh hùng Lao động Hoàng Chương đã được Bộ trưởng Ngoại giao Rumani trao bằng danh dự với vai trò làm cầu nối văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Rumani trong suốt 22 năm Giáo sư Hoàng Chương đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani.

Minh Anh

Top