Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao - Khâu đột phá để phát triển du lịch Thủ đô

11/11/2021 5:46 PM

(Chinhphu.vn) - Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp được coi là khâu đột phá để phát triển du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

 

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp được coi là khâu đột phá để phát triển du lịch Thủ đô

Theo TS. Nguyễn Văn Lưu, việc đổi mới, đa dạng hóa công tác đào tạo du lịch để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch Thủ đô trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết. Trong 5 năm qua từ 2016- 2020, tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, các điểm du lịch và cán bộ quản lý du lịch được nâng lên qua các năm. Số lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch được qua đào tạo, bồi dưỡng năm 2016 đạt tỷ lệ 62%, ước năm 2020 đạt tỷ lệ từ 90%-95%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ tháng 1 đến hết tháng 4/2020, toàn Thành phố có 1.190 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành, 120 doanh nghiệp vận chuyển, điểm đến du lịch tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng, gần 41 nghìn lao động tạm thời nghỉ việc. Từ tháng 5/2020, hoạt động du lịch dần phục hồi trở lại với chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch của Chính phủ và Thành phố, lực lượng lao động tại các đơn vị đi làm trở lại nhưng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch không đạt được trong năm 2020.

Nhưng nhìn chung nguồn nhân lực du lịch của Hà Nội trong 5 năm vừa qua có sự tăng trưởng về số lượng, nâng cao chất lượng và hợp lý dần về cơ cấu. Tỷ lệ lao động được đào tạo mới, đào tạo lại, có kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ có xu hướng tăng. Nguồn nhân lực du lịch, trong đó có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đa phần còn rất trẻ, lao động có độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm hơn 82,36% tổng số lao động của ngành, phù hợp với đặc điểm của ngành Du lịch.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch Thủ đô cũng có nhiều tiến bộ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị nguồn nhân lực tiên tiến, làm tốt khâu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Đặc biệt, các đơn vị liên doanh nước ngoài, khách sạn cao cấp (4-5 sao) và các công ty lữ hành lớn, đội ngũ lao động có chất lượng khá cao. Hệ thống cơ sở giáo dục du lịch các cấp đã có sự phát triển nhanh chóng; cơ cấu đa dạng về trình độ và ngành nghề; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo được quan tâm đầu tư nâng cấp và đầu tư mới; chương trình đào tạo đang dần đổi mới theo cơ chế đào tạo đặc thù. Các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của mình với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Lưu, công tác đào tạo, bồi dưỡng du lịch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Số lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cần bồi dưỡng và đào tạo lại rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các trung tâm đào tạo ở các doanh nghiệp và các lớp đào tạo bồi dưỡng do Sở Du lịch tổ chức còn ít. Nhiều doanh nghiệp du lịch không giữ được người tài, chưa có chính sách đãi ngộ thoả đáng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Chính vì vậy, việc đổi mới, đa dạng hóa công tác đào tạo du lịch để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch Thủ đô là hết sức cần thiết. Với định hướng phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, việc đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao được coi là khâu đột phá để phát triển du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Văn Lưu, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô cần tập trung đổi mới và đa dạng hóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Những ai tham gia hoạt động du lịch ở Thủ đô đều phải được đào tạo, bồi dưỡng về du lịch. Chú trọng nâng cao năng lực (cả kiến thức, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học và đạo đức nghề nghiệp) cho nguồn nhân lực du lịch Thủ đô đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu (ngành nghề, trình độ và vị trí việc làm). Quan tâm giáo dục du lịch cộng đồng và việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến trong đào tạo bồi dưỡng du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch.

Chủ động liên kết với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục các cấp để đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch Thủ đô. Đa dạng các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo bồi dưỡng du lịch và ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục du lịch trong nước và ngoài nước; phát triển mô hình khách sạn trường học để đào tạo nghề du lịch tiêu chuẩn quốc tế. Tạo điều kiện và yêu cầu nhân lực du lịch tự học, tự đào tạo.

Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp trong hoạt động du lịch. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh, thân thiện cho tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, xây dựng mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch

Minh Anh

Top