Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường làng nghề nông thôn

25/01/2021 3:03 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù hiện nay vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, nhưng một số địa phương đã làm tốt công tác xử lý chất thải làng nghề, đem lại cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho địa phương.

Việc sản xuất tại các làng nghề cần được gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo chia sẻ của GS.TS.NGND Đặng Kim Chi, Chủ nhiệm Chương trình Môi trường và Tài nguyên-Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Hà Nội là một địa phương quy tụ nhiều làng nghề và là một nét đặc trưng về văn hóa- xã hội. Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Trong đó số làng nghề đã đăng ký và được Thành phố công nhận và cấp bằng là 297 làng nghề. Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề. Bao trùm hầu hết các lĩnh vực sản xuất đặc trưng của làng nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, với khoảng 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố, thu nhập bình quân của một lao động làm việc tại làng nghề thường cao hơn 2-2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp.

Với tốc độ phát triển như hiện tại, các làng nghề đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ đối với môi trường Thủ đô khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ.

Mặc dù vậy, bên cạnh đại đa số các làng nghề gây ô nhiễm, còn nhiều hạn chế trong việc xử lý chất thải thì vẫn có một vài địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải hiệu quả, đem lại cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

Điển hình là huyện Thường Tín, theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, là một huyện phía Nam thành phố Hà Nội, hiện nay huyện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động trong đó 5 cụm công nghiệp làng nghề gồm: Cụm công nghiệp làng nghề bông len, chăn ga gối đệm Tiền Phong, Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái, cụm công nghiệp làng nghề mộc Vạn Điểm, cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Ninh Sở, cụm công nghiệp làng nghề mộc, cơ khí Văn Tự, với 126 doanh nghiệp, 343 hộ kinh doanh thuê đất, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp; có 126 làng nghề.

Trong những năm qua huyện ủy, UBND huyện Thường Tín đã tăng cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường các làng nghề. Theo đó huyện đã ban hành các chương trình, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề đối với công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện. Công tác bảo vệ môi trường các làng nghề được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện; tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề được giải quyết, khắc phục. Môi trường làng nghề được cải thiện và có chuyển biến rõ rệt, đồng thời tích cực góp phần để huyện và các xã hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Thường Tín cũng xác định bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan  xanh- sạch- đẹp nói chung, bảo đảm công tác xử lý chất thải làng nghề nói riêng là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm phát triển xã hội một cách bền vững nên đã vận động sự tham gia của tất cả tổ chức, cá nhân. Đồng thời giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng các chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như mít tinh, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng mô hình, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, các tuyến đường hoa… kết thúc mỗi chương trình đều có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng xong 5 cụm công nghiệp làng nghề, đã giải quyết di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp tập trung. Có 8/11 cụm công nghiệp có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, 2 cụm công nghiệp làng nghề có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung của cụm. Đặc biệt, có 846/846 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các cụm công nghiệp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua huyện Thường Tín đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chủ động ngăn ngừa những vi phạm chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật bảo vệ môi trường. Tích cực triển khai tổ chức phong trào quần chúng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và phát hiện, ngăn chặn kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Thiện Tâm

Top