Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm của Thủ đô

30/05/2016 4:55 PM

(Chinhphu.vn) – Để tạo điều kiện về kết nối khai thác, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương trên cả nước, trong những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Ảnh minh họa

Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ... giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tiến hành khai thác thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.

Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường,...; giúp người dân yên tâm sản xuất và có thị trường đầu ra tương đối ổn định,...; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, giá cả hợp lý... góp phần bình ổn thị trường, thực hiện tốt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhờ sự hợp tác hàng hóa giữa Hà Nội và ĐBSCL mà nhiều sản phẩm thế mạnh của các địa phương vùng ĐBSCL như các loại gạo, trái cây, thủy hải sản, thực phẩm chế biến... đã có mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại của các doanh nghiệp ở Hà Nội. Có thể kể đến các đơn vị Hà Nội tích cực tham gia kết nối như hệ thống Hapro, hệ thống các siêu thị Fivimart, Intimex, Vinmart, Big C, Co.opmart kết nối khai thác sản phẩm của các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng,...

Năm 2015 ngành công thương Hà Nội đã hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ 105 tấn hành tím, tổ chức một số hội chợ đặc sản vùng miền, qua đó giúp doanh nghiệp đưa lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL về Hà Nội tiêu thụ.

Bên cạnh đó, việc chủ động thực hiện công tác liên kết của các đơn vị Hà Nội nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề thế mạnh của Hà Nội về may mặc, thực phẩm, cơ khí,... đã có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Sản phẩm có mặt tại thị trường các địa phương đều nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung – cầu còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như các địa phương còn ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các doanh nghiệp của Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảm, đồng nhất gặp khó khăn; các doanh nghiệp cung ứng, phân phối chưa thống nhất được điều kiện về giao nhận hàng hóa, điều khoản thanh toán dẫn đến công tác kết nối gặp khó khăn...

Cần cơ chế hợp tác hiệu quả

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn Hà Nội và cả nước đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, Sở Công Thương các địa phương cần tăng cường phối hợp, thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương nhằm khai thác hàng hóa thế mạnh vùng ĐBSCL tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Trong quá trình hỗ trợ người dân khu vực ĐBSCL tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành khu vực ĐBSCL cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP và GlobalGAP nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định hướng nội dung truyên truyền cho sản phẩm nông sản để cung cấp tới các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện hơn...

Mới đây nhất, tại Hội nghị Hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và các tỉnh, TP phía Bắc, lãnh đạo TP Hà Nội đã ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa... Thông qua hoạt động này khuyến khích doanh nghiệp bán lẻ Thủ đô đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản ĐBSCL tại hệ thống phân phối, từ đó hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL ổn định, lâu dài.

Thùy Linh

Top