Đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài

16/01/2019 12:00 PM

(Chinhphu.vn) - Để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, kết nối với hệ thống phân phối ở nước ngoài để doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận siêu thị ngoại.

Ảnh minh họa

Hiện Hà Nội có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ nội thành đến các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn... Dự kiến, từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn Thành phố sẽ có 605 chợ; trong đó có 7 chợ đầu mối.

Ngay từ đầu những năm 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư như Tập đoàn Central Group (Thái Lan) sở hữu 4 đại siêu thị, 19 siêu thị Mega Market, 75 cửa hàng tiện lợi B’smart, 32 siêu thị Big C, đồng thời nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và Lan Chi Mart…

Cứ 10 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thì chỉ một doanh nghiệp có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại, do chi phí hàng hóa cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, chiết khấu bán hàng lên tới 30%... Bên cạnh đó, chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt còn rất hạn chế. Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại được đánh giá là khá nhỏ bé so với năng lực sản xuất của Việt Nam. Điều này khiến hàng Việt lép vế để hàng nước ngoài thế chỗ.

Một yếu tố quan trọng khác khiến việc đưa nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn là do người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, bảo đảm được chất lượng hàng hóa của mình để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị...

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, điểm yếu của doanh nghiệp Việt hiện nay là khó tiếp cận thông tin tiêu chí sản xuất và công nghệ để có thể đưa ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường, giá cả phải chăng, mang tính cạnh tranh. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, doanh nghiệp không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối. Bên cạnh đó, vấn đề vốn cũng là rào cản với các doanh nghiệp trong quá trình đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ ngoại...

Để hàng Việt không bị loại khỏi hệ thống bán lẻ quốc tế, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt nên bỏ tư tưởng tiêu thụ hàng trong thời gian tham gia xúc tiến thương mại, mà nên đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong tương lai. Tuy nhiên, theo ngành công thương thì đây chỉ là lo ngại ban đầu, khi hệ thống bán lẻ nước ngoài mới đầu tư vào thị trường Việt Nam. Qua theo dõi thực tế của ngành công thương cho thấy, các nhà bán lẻ nước ngoài phân phối sản phẩm hàng Việt trên đất Việt sẽ mang lại cho họ lợi nhuận nhiều nhất.

Để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài, ngành công thương đang triển khai đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Qua đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, kết nối với hệ thống phân phối và xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài để doanh nghiệp đóng gói hàng hóa tại nước ngoài với sự giám sát chất lượng của nước sở tại. B

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ ký hiệp định liên chính phủ với các nước đó để có các điều kiện về thuế, cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp.

Thùy Linh

Top