Đổi mới quản lý để phòng ngừa tham nhũng

26/10/2017 2:18 PM

(Chinhphu.vn) - Để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, TP. Hà Nội đã đặt trọng tâm đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, chú trọng các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý tài chính…

Thực hiện 13 chuyên đề phòng, chống tham nhũng

Theo Thành ủy Hà Nội, việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Chương trình số 07-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quản công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, lâu dài nhằm góp phần giữ vững ổn dịnh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hà Nội.

Qua 1 năm triển khai, các cơ quan, đơn vị của Thành phố đã nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề, đến nay đã có 12/13 chuyên đề được hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai, chỉ còn chuyên đề về “Rà soát, công khai, minh bạch trong lĩnh vực cấp GCN quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng” đang hoàn thiện.

Việc tổ chức thực hiện các chuyên đề bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực mà cơ quan chủ trì thực hiện trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Như Viện Kiểm sát Thành phố chủ trì phối hợp với 9 sở, ngành ký kết quy chế phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm tăng cường công tác phối hợp xử lý tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân Thành phố tập trung đẩy nhanh giải quyết các vụ án tham nhũng nói chung, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, TP. Hà Nội luôn tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp có hiệu trong việc giải quyết các vụ án, đẩy nhanh tiến độ đưa vụ án ra xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, sau khi xét xử từng vụ án tổ chức rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Đến nay, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xét xử 1 vụ (11 bị cáo), đang tiến hành xét xử vụ Hà Văn Thắm với 51 bị cáo, trả hồ sơ để bổ sung 4 vụ/66 bị can…

Công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị

Để thực hiện Chương trình 07-CTr/TU, TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách TTHC; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn…

Trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc công khai hoạt động tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ cơ bản đã đi vào nề nếp. Việc công khai, minh bạch được thực hiện bằng nhiều hình thức theo đúng quy định của pháp luật về PCTN như: Thông báo tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các tổ chức nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước và giám sát việc thực hiện. Đã có 480 tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện chủ trương tiết kiệm trong công tác xây dựng và phân bổ dự toán, tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm. Với công tác quản lý đầu tư xây dựng, đã ban hành văn bản công khai tình hình phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2016; thực hiện đầu tư tập trung, không dàn trải; xác định rõ trách nhiệm mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong các khâu của quá trình đầu tư.

Trong 1 năm qua, Ủy ban kiểm tra các cấp của Thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 48 tổ chức đảng và 143 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 111 trường hợp vi phạm (chiếm trên 84%); tới mức thi hành kỷ luật 77 trường hợp. Thanh tra Thành phố cũng đã tiến hành thanh tra 585 cuộc tập trung vào các lĩnh vực: Công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính, sử dụng tài sản công. Đến nay đã kết luận 407 cuộc, phát hiện vi phạm trên 1,1 tỷ đồng và trên 31 ha đất; kiểm điểm trách nhiệm với 124 tập thể và 232 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN

Một trong những hạn chế được TP. Hà Nội xác định, đó là công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCTN, lãng phí có nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí từ các tổ chức, cơ sở còn ít chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Việc xử lý kết luận sau thanh tra còn chưa triệt để, nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vi phạm.

Nguyên nhân được xác định là nhận thức của một số cấp ủy, đảng, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở về công tác đấu tranh PCTN, kinh tế cũng như về chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng chưa đẩy đủ. Một số địa phương vì lợi ích cục vộ đã không nghiêm túc thực hiện chương trình phòng ngừa, phát hiện các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu, chưa chặt chẽ.

Chính vì vậy, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong thực hiện. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý Nhà nước, TP. Hà Nội cũng phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị-xã hội. Tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi tham nhũng.

Gia Huy

Top