Đón cơ hội tăng tốc, mở rộng sản xuất nông sản

27/09/2021 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Với một số biện pháp nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua, sẽ giúp giao thương thuận lợi hơn, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp Thủ đô có thêm điều kiện để phục hồi hoạt động, đón cơ hội tăng tốc, mở rộng sản xuất nông sản.

Chủ động sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Ảnh: Thành Nam

Thời điểm hiện tại, vựa rau xã Kim An, huyện Thanh Oai đã bắt đầu gia tăng hoạt động. Ông Đỗ Hùng Cường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kim An cho biết, diện tích canh tác rau màu trên địa bàn xã là gần 100 ha, nông dân bắt đầu xuống giống trồng các loại rau màu vụ đông như cà chua, bắp cải, su hào... Sản xuất nông nghiệp của địa phương vốn là “xí nghiệp ngoài trời”, lao động 100% là tại chỗ nên việc tuân thủ các điều kiện phòng dịch như yêu cầu của cơ quan chức năng khá thuận lợi.

Được biết, huyện Thanh Oai đã có văn bản yêu cầu các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi... Đồng thời lưu ý việc tổ chức sản xuất phải gắn chặt với phòng, chống dịch bệnh.

Còn tại huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, huyện Quốc Oai đã xây dựng phương án sản xuất mới, phấn đấu tăng diện tích cây trồng vụ đông lên 1.100ha (tăng 300ha so với năm 2020). Trong đó mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 150 ha đến 200ha tại vùng bãi và những diện tích chuyên canh rau; đồng thời phát triển một số loại thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như cá rô phi đơn tính, cá chép lai ứng dụng công nghệ cao...

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất; Đồng thời, cung cấp thông tin về số lượng các mặt hàng nông sản để điều tiết kịp thời, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ.

Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Thị Lan cho biết, nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 30% so với thời điểm giãn cách xã hội trước đó. Hiện, mỗi ngày, công ty cung ứng ra thị trường 6 tấn đến 10 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…).

Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với Công ty Ngôi Sao Xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ vận chuyển hàng giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty đang dần phục hồi, đạt khoảng 50% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân Thủ đô, đối với các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, địa phương đã nhanh chóng triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, động viên người dân tích cực gieo trồng, chăm sóc rau màu theo đúng kỹ thuật. Cùng với đó, Sở cũng tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, phối hợp với đơn vị chức năng nắm vững tình hình tiêu thụ sản phẩm để có kiến nghị giải pháp kịp thời;

Đồng thời, rà soát các điều kiện cho vụ Đông, mở rộng sản xuất các loại rau xanh, chủ động nguồn cung thực phẩm cho Thành phố…

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp cần chủ động rà soát, tham mưu với chính quyền địa phương hình thành các nhà sơ chế, kho bảo quản tạm thời (do xã, thôn, hợp tác xã thiết lập, quản lý) để đưa rau, củ, quả tươi thu hoạch trên địa bàn vào bảo quản và cung ứng tại chỗ cho người dân trong vùng bị cách ly y tế.

Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, hiện nay, tất cả các huyện đều đã thành lập tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Sở cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, kết nối với Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm đến các điểm trung chuyển đã được phê duyệt.

Thành Nam

Top