Đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào chuỗi cung ứng toàn cầu

26/10/2021 4:19 PM

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm; kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Bích Phương

Qua 67 năm xây dựng và phát triển, công nghiệp của Hà Nội đã hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao. Hiện, công nghiệp Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có sản phẩm được Thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, như vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử…

Không dừng ở đáp ứng cho thị trường trong nước, các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội đã tăng trưởng rất nhanh về giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, trong số các đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực, 12 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 15 doanh nghiệp lớn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như: Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp; Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Bên cạnh có các doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm như: Công ty cổ phần Vicostone, Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng, tuy chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các mặt hàng cùng loại, nhưng khóa Việt - Tiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội vẫn chiếm thị phần lớn và duy trì vị thế đứng đầu ngành khóa trong nước. Đó là nhờ công ty liên tục cập nhật công nghệ mới, đa dạng từ mẫu mã, mầu sắc, chất liệu đến loại sản phẩm….

Hiện có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh thu hàng trăm triệu USD/năm cũng tham gia vào chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH TOTO, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam…

Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ về đất đai, kết cấu hạ tầng… Đây còn là một cuộc thi đua giữa các doanh nghiệp nhằm cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên giá trị của doanh nghiệp.

Để lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút sự tham gia từ 100 đến 120 doanh nghiệp, với khoảng từ 150 đến 180 sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Theo Kế hoạch số 60/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2021, Thành phố phấn đấu sẽ có từ 20 đến 25 doanh nghiệp với từ 25 đến 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp từ 35% đến 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Thành phố.

Tuy nhiên, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đã chịu nhiều tác động vì đại dịch COVID-19. Sản xuất ngừng trệ, nhiều đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường trong nước chậm…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát, Thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đồng thời, Thành phố đang tiến hành xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Các cơ chế, chính sách sẽ khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp thi đua đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm mới có giá trị ngày càng cao; giúp doanh nghiệp thấy được hiệu quả của chương trình mang lại như nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm, thương hiệu, từ đó mang lại doanh thu cao hơn.

Về phía doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra là đầu tư về nhân lực, máy móc, công nghệ, sẵn sàng đón đầu cơ hội. Khi có đủ sức vươn, sản phẩm sẽ không chỉ là chủ lực của riêng Hà Nội, mà sẽ có sức dẫn dắt với nền kinh tế cả nước. Được đầu tư xứng tầm, Hà Nội sẽ có nhiều hơn sản phẩm công nghiệp chủ lực mang tính nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành sản xuất khác.

Bích Phương

Top