Gần 22 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông thôn cho các huyện ngoại thành

22/09/2021 10:57 AM

(Chinhphu.vn) - Theo UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, để các huyện ngoại thành phát triển kịp với các quận, huyện gần trung tâm Thành phố, Hà Nội đã dành tổng kinh phí ngân sách Thành phố hỗ trợ các huyện, thị xã là 21.934,5 tỷ đồng.

Khởi công Dự án nạo vét, chỉnh trang ao Dân quân, thôn Chi Nam và cải tạo, nâng cấp một số truyến đường trên địa bàn xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm - Ảnh: Minh Anh

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, trong đó trọng tâm là xây dựng nông thôn mới; UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6/10/2016 nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, ngân sách Thành phố hỗ trợ cho các huyện để đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (giao thông nông thôn, giao thông thôn xóm; tập trung đầu tư các trường học, trạm y tế đạt chuẩn, công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa…).

Đến nay, tổng kinh phí ngân sách ngân sách Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các huyện, thị xã giai đoạn 2016-2020 là 21.934,5 tỷ đồng.

Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 với quan điểm tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương để phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đồng thời với việc tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội, trong đó dự kiến kinh phí ngân sách Thành phố hỗ trợ thực hiện Chương trình là 24.130 tỷ đồng.

Ngoài phần vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ, Hà Nội cũng đề nghị các huyện ngoại thành chủ động rà soát, xây dựng lộ trình đầu tư các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; cần chủ động bố trí ngân sách huyện, ngân sách xã và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Minh Anh

Top