Gắn bảo tồn di tích, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch

20/10/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) – Ngày 20/10, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội” tại huyện Gia Lâm.

Đoàn khảo sát thực tế hoạt động Nhà văn hóa huyện Gia Lâm

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, giai đoạn 2013-2021, Huyện đã tập trung, chỉ đạo quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa, gồm mở rộng trung tâm văn hóa thể thao huyện; xây dựng mới 8 trung tâm văn hóa thể thao xã; 68 nhà văn hóa kết hợp cải tạo sửa chữa 87 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; tu bổ, tôn tạo 77 di tích lịch sử xuống cấp; đầu tư xây dựng 5 vườn hoa, sân chơi; kè 17 ao, hồ với tổng kinh phí hơn 1.646 tỷ đồng.

Huyện cũng quan tâm quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, sân chơi cho trẻ em và nhân dân trên địa bàn trong các khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Gia Lâm thành quận. Đến nay, 100% các xã thị trấn, thôn tổ dân phố có vườn hoa, sân chơi công cộng; lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời tại 301 điểm với tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng; đang khảo sát tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên trung tâm huyện rộng 17ha; thực hiện kè ao hồ làm đường dạo, chống lấm chiếm, tách nước thải nâng cao chất lượng môi trường trong khu dân cư...

Đoàn giám sát đánh giá, trong những năm qua huyện Gia Lâm đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương của huyện tập trung triển khai thực hiện thông qua việc ban hành, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện có 156/164 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở.

Qua thực tế giám sát và lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và các thành viên đoàn giám sát ghi nhận, biểu dương kết quả huyện Gia Lâm đã đạt được trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND, với nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Thành phố giao, góp phần quan trọng vào phát triển văn hóa của địa phương nói riêng và Thành phố nói chung, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố đề nghị, thời gian tới, huyện cần quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch văn hóa của địa phương; lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển văn hóa trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện cho phù hợp, phối hợp chặt chẽ Sở Quy hoạch kiến trúc để được hỗ trợ. Tới đây huyện cũng cần có quy hoạch để các tuyến đường có tên cụ thể gắn với lịch sử, văn hóa, trong đó Ban Pháp chế HĐND Thành phố cần phối hợp.

Cùng đó, đề nghị UBND huyện chỉ đạo việc hoàn thành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị, gắn kết bảo tồn di tích, làng nghề văn hóa truyền thống với phát triển du lịch (làng nghề Bát Tràng, làng nghề Kiêu Kỵ, đền Phù Đổng...); trên cơ sở đó ngành văn hóa đề xuất bố trí nguồn lực hiệu quả.

“Với đặc thù nhiều di tích lịch sử, tâm linh, văn hóa, huyện cần đầu tư tương xứng để gắn kết du lịch văn hóa với du lịch tâm linh, tạo chuỗi du lịch, tăng quảng bá tuyên truyền. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn thiếu, sửa chữa công trình đã xuống cấp… Song song quản lý các nhà văn hóa, cần tăng cường hiệu quả quản lý các đình, đền, chùa, miếu mạo”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top