Giải 'bài toán' hỗ trợ hiệu quả khởi nghiệp sáng tạo

01/03/2021 2:23 PM

(Chinhphu.vn) – Để thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2021 của Chính phủ, trong Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và dự toán ngân sách năm 2021 thành phố Hà Nội đưa ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

* Những bước đi mạnh mẽ cho mục tiêu trở thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo

Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội phối hợp cùng với Công ty CP ICheck triển khai dự án 1.000 doanh nghiệp minh bạch thông tin vì cộng đồng. Ảnh: Minh Anh

Nhiều thách thức cần giải quyết 

Trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước đi mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm sáng tạo của cả nước và đạt được những hiệu quả ban đầu nhờ những lợi thế cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vị trí địa lý và nguồn nhân lực khởi nghiệp tại thành phố thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái; doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ; văn hóa khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi thông qua phương tiện truyền thông và các sự kiện khởi nghiệp sáng tạo (KNST). Bên cạnh những lợi thế đó, Hà Nội hiện vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để Thủ đô trở thành Trung tâm sáng tạo của cả nước.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hiện nay vẫn còn thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mặc dù đây là một thành phần đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ sinh thái KNST.

Bản thân các doanh nghiệp KNST tại Thành phố còn gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết. Doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chủ yếu khởi nghiệp theo phương thức truyền thống, tự tạo, tự lập. Sự ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa mạnh mẽ, nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn chưa hiệu quả, sự tăng trưởng chưa nhanh. Hơn nữa, doanh nghiệp mới thành lập chưa mạnh dạn, chưa tìm, chưa thu hút được những nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư, chưa biết tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ sinh thái KNST tại Thành phố còn thiếu sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công trong nước và quốc tế. Sự trao đổi, liên kết hợp tác giữa startup trong nước và nước ngoài, startup của người Việt Nam ở nước ngoài còn chưa cao, đặc biệt là ở các địa phương có phong trào khởi nghiệp chưa phát triển mạnh.

Ông Vũ Tấn Cương, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Hà Nội cho rằng, hiện nay còn thiếu startup dựa trên nghiên cứu khoa học công nghệ, là nền tảng để startup có thể phát triển bền vững. Theo ông Cương, đa số các startup giải quyết các vấn đề thiếu tính thực tiễn. Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với các nhà khoa học trẻ đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giải trong các cuộc thi về khởi nghiệp tại địa phương còn chưa được sát sao. Nguyên nhân chính là do chưa thực sự tạo được mối liên kết giữa các hoạt động hỗ trợ KNST tại địa phương và các vùng lân cận.

Tại đa số các vườn ươm hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đa phần chỉ là các doanh nghiệp siêu nhỏ đưa ra sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng số chứ chưa phải là startup đúng nghĩa dựa trên nền tảng KNST.

Cơ hội đến từ nhiều phía

Với những khó khăn và thuận lợi như trên, liệu Hà Nội có cơ hội để phát triển hệ sinh thái KNST một cách nhanh chóng? Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cho rằng có nhiều cơ hội lớn để Hà Nội phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Một trong những cơ hội đó là nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ và nguồn lực tài chính từ các quỹ khởi nghiệp quốc tế.

Thành phố Hà Nội có cơ hội nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNST quốc gia đến năm 2025” và đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với các chương trình, sự kiện trong khuôn khổ của đề án. Các hỗ trợ này không chỉ tăng cơ hội phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp tại Thành phố mà còn hữu ích trong việc gia tăng sự kiện thu hút các thành phần trong hệ sinh thái trong nước và ngoài nước.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025" được xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, có phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 là hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp ĐMST trong đó có 600 dự án phát triển thành doanh nghiệp KNST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Các hoạt động hỗ trợ chính của đề án là đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể; xây dựng và Kết nối mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; nghiên cứu, kiến nghị và xây dựng cơ chế, chính sách cho KNST; tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với quy mô quốc tế; xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2020.

Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" là Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì với các hoạt động hỗ trợ chính là xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường; bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp; thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường; thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu của nhà trường cho HSSV.

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ trì với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp …

Ngoài ra, dựa vào vị thế thuận lợi, thành phố Hà Nội có cơ hội nhận hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức quốc tế như: IPP (Phần Lan), BIPP (Bỉ), SwissEP (Thụy Sỹ), VTEC (EU); thông qua các chương trình đào tạo và hoạt động hỗ trợ tài chính. Một số chương trình quốc tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam có thể kể tới như: Chương trình Aus4Innovation; chương trình phát triển bền vững từ các tổ chức phi chính phủ; chương trình “Innovation Partnership Program” (IPP).

Bên cạnh các chương trình quốc tế, thành phố Hà Nội với các điểm mạnh của mình vẫn đang dẫn đầu cả nước về cơ hội phát triển hệ sinh thái KNST khi là trung tâm thu hút đầu tư với 21 trên tổng số 37 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đặt tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu thuận lợi cho các doanh nghiệp KNST Thủ đô.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo

Năm 2021, để thực hiện tốt Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, Hà Nội đưa ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng cho mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các kiến nghị được đưa ra để Hà Nội sớm trở thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về đăng ký doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, phấn đấu giải quyết 100% các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp được giải quyết đúng thời hạn hoặc sớm hơn so với quy định. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: thuế, hải quan, BHXH theo hướng đơn giản, giảm bớt thời gian và các thủ tục không cần thiết, từng bước đem lại sự thuận tiện cho các tổ chức, công dân. Tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho đối tượng là doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp, đăng ký giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...) nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò cầu nối của chính quyền Thành phố để thúc đẩy mạng lưới sáng kiến Hà Nội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp KNST.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính với chính quyền Thành phố trong xây dựng và thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ KH&CN và các địa phương trong thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia. Các chính sách của nhà nước thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nên thông qua các hoạt động của các cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như các trường Đại học, Cao đẳng, Vườn ươm, Trung tâm kết nối và chuyển giao tri thức, Cổng thông tin khởi nghiệp…..

Cùng với đó, để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, Hà Nội cần tổ chức đào tạo đa dạng cả về hình thức và đối tượng. Về hình thức đào tạo, phát triển đào tạo trực tuyến để nâng cao hiểu biết về pháp luật, kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt hỗ trợ học viên làm quen và duy trì các hình thức đào tạo mới.

Về đối tượng đào tạo, Thành phố không chỉ dừng lại ở việc đào tạo các doanh nghiệp KNST, cố vấn khởi nghiệp mà cần chú trọng mở rộng đối tượng đào tạo và phát huy năng lực của các nhóm thiểu số như phụ nữ, người khuyết tật. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục duy trì công tác đào tạo kiến thức quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực hỗ trợ KNST cho đội ngũ cán bộ công chức của các Sở KH&CN, Sở KH&ĐT và các cơ quan liên quan thuộc Thành phố.

Thành phố Hà Nội cần hình thành mạng lưới liên các kênh truyền thông và xây dựng chuyên mục khởi nghiệp cho các trang thông tin của thành phố. Các kênh truyền thông có thể liên kết và tạo thành mạng lưới thông tin tiếp cận người dân.

Cuối cùng, truyền cảm hứng khởi nghiệp đến lớp trẻ và mọi người bằng khẩu hiệu đơn giản, hiệu quả nhất, thống nhất trong toàn Thành phố cần được coi là một việc hết sức quan trọng.

Với tất cả các tiềm lực hiện có, và quyết tâm của lãnh đạo được truyền thụ tới lớp trẻ và mọi nhóm ngành nghề lao động, sẽ tạo ra một chuyển biến lớn cho phong trào khởi nghiệp và tạo động lực sớm đến mục tiêu đưa Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Minh Anh

Top