Giảm phát thải, ô nhiễm từ khâu sản xuất tới tiêu dùng

21/07/2020 1:39 PM

(Chinhphu.vn) - Để hạn chế tác hại của chất thải nhựa, ngành Công Thương Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, siêu thị dần sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: Diệu Anh

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8%-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng ở Việt Nam đều sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy để phục vụ nhu cầu khách hàng; tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm bằng nhựa được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ rất phổ biến. Chỉ tính riêng tại TP. Hà Nội, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa; 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng có sử dụng các sản phẩm nhựa làm bao bì trong kinh doanh…

Mặc dù, nhận thức được tầm quan trọng của rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, việc chuyển đổi từ sử dụng các sản phẩm túi nilon khó phân hủy, hay các sản phẩm nhựa dùng một lần sang túi nilon thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá thành của loại túi nilon thân thiện với môi trường đắt hơn gấp nhiều lần so với túi ni lông thông thường.

Mặt khác, doanh nghiệp  sản xuất cũng có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong khi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành yêu cầu bắt buộc.

Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiên vật liệu có thể tái tạo

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế một cách bền vững, TP. Hà Nội đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng, Thành phố còn tổ chức kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong từng lĩnh vực ngành nghề kinh tế, ban hành các tiêu chí cụ thể để làm cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất bền vững hơn.

Đơn cử, trong lĩnh vực dệt may có các tiêu chí hàm lượng formaldehit và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm thấp hơn mức giới hạn theo quy chuẩn của Bộ Công thương; có giải pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải trong sản xuất; nhãn mác sản phẩm đầy đủ thông tin thành phần; các doanh nghiệp sơn mài tham gia phải đáp ứng tiêu chí không sử dụng hóa chất độc hại để xử lý và bảo quản các nguyên liệu.

Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã giúp khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này trên địa bàn Hà Nội cũng gặp nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, thói quen sử dụng, tiêu dùng của mỗi người dân cũng chưa hướng đến một nền sản xuất, tiêu dùng bền vững…

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.

Ðồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo việc làm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn,…

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế rác thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy;…

Diệu Anh

Top