Giúp doanh nghiệp vận tải Thủ đô phục hồi sau đại dịch

23/09/2021 5:50 PM

(Chinhphu.vn) - Để vực dậy ngành vận tải Thủ đô, các doanh nghiệp vận tải đang rất cần chính sách hỗ trợ về lãi vay, thuế, phí… cũng như quan tâm ưu tiên để người lao động trực tiếp trong lĩnh vực vận tải được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do tạm dừng hoạt động vì COVID-19. Ảnh: Thành Nam

Doanh nghiệp vận tải “lao đao” vì COVID-19

Dịch COVID-19 khiến vận tải là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dễ thấy nhất là một số công nhân lao động…lâm vào cảnh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không lương.

Không có nguồn thu, nhưng vẫn phải gồng gánh các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng, chăm lo cho đời sống lái xe, nhân viên… là tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải cả nước nói chung và vận tải Thủ đô nói riêng.

Hà Nội hiện có 118 tuyến xe buýt vận chuyển hành khách công cộng trợ giá. Mỗi tháng toàn mạng vận chuyển khoảng 26 triệu lượt hành khách, trong đó Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chiếm 80% thị phần hoạt động. Tuy nhiên từ đầu năm nay, dịch COVID-19 liên tục bùng phát, cắt giảm 50% công suất hoạt động. Từ ngày 24/7, toàn bộ xe buýt Hà Nội phải dừng mọi hoạt động. Do không có nguồn thu khi xe buýt dừng hoạt động, đơn vị đã buộc phải ký tạm hoãn hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động có liên quan đến hoạt động buýt.

Tính ở các đơn vị hoạt động vận tải hành khách công cộng, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, đã có khoảng 8.000 công nhân lái xe, nhân viên phục vụ trên 1.800 xe buýt ở 140 tuyến đã và đang chịu những ảnh hưởng từ dịch.

Ngoài vận tải khách công cộng, các doanh nghiệp vận tải nói chung tại Hà Nội cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Sau lệnh dừng hoạt động vận tải hành khách từ Hà Nội đến 37 tỉnh thành từ ngày giữa tháng 7, hiện nay tại các bến xe lớn ở Thủ đô như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm phải đóng cửa, không khai thác vận chuyển hành khách.

Nhiều ngày phải nghỉ làm khiến đời sống lái xe khó khăn do thu nhập giảm hoặc không có thu nhập… Nhiều doanh nghiệp vận tải ngày càng lâm vào tình cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải đi vay lãi ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp vận tải mong muốn được hỗ trợ tín dụng, giảm các loại thuế phí, giảm bớt các “lực cản” để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng…

Cần thêm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội đã có nhiều kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, như giảm từ 3% đến 5% lãi suất cho vay; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội kiến nghị, với các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô, các ban, ngành Thành phố cần xác định rõ đây là ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu, “xương sống” của hệ thống vận tải hành khách của Thủ đô. Bởi vậy, cần tiếp tục xem xét cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được ngừng đóng bảo hiểm xã hội, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

Thời gian tới, nếu Thành phố cho xe buýt hoạt động trong bối cảnh “bình thường mới” thì nên giảm bớt các yêu cầu để xe buýt phát huy hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn, thay vì lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh COVID” hoặc “thẻ vàng COVID”, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ… thì chỉ cần người phục vụ xe đã được tiêm vaccine, yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội. Theo đó Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng; phí bảo trì đường bộ;…

Trước đó, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Cụ thể, đối với loại hình xe buýt, Sở GTVT kiến nghị Thành phố chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu, sản lượng doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng; Cùng với đó, hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.

Sở GTVT cũng kiến nghị Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng thời, Sở GTVT đề nghị thành phố chỉ đạo Cục Thuế TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch cho các đơn vị này…

Thành Nam

Top