Góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô xây dựng thương hiệu

26/12/2018 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng và phát triển thương hiệu được coi là một trong những hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Trong những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Thành phố được ban hành đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ảnh minh họa

Số liệu của Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho thấy, sau 9 năm thực hiện, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm… Đến nay, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.

Tại Hà Nội, hàng Việt Nam chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng; hiện đa số hệ thống phân phối lớn như Hapro, Vinmart, Big C... đều có tỷ lệ hàng Việt từ 65%-95%.

Mặc dù đạt được những chuyển biến tích cực nhưng hiện nay, hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp của Bộ Công Thương cho thấy, ấn tượng của họ về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu và các doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.

Về phía các doanh nghiệp cho rằng, bởi tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt còn hạn chế khiến việc tạo lập, quảng bá thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hiệu quả bảo vệ hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu. Đồng thời, cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.

Mới đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Sở Công Thương, Tài chính, KH&ĐT, NNPTNT; Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội và Đài PTTH Hà Nội phối hợp triển khai chương trình “Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu năm 2018”.

Đối tượng được hỗ trợ gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp và có trụ sở chính đặt trên địa bàn Hà Nội, có nhu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hoặc thương hiệu doanh nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng hoặc có số lao động bình quân năm từ 300 người trở lên hoặc có kim ngạch xuất khẩu trực tiếp từ 5 triệu USD/năm trở lên; sản xuất các sản phẩm trong danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố; có chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế.

Theo hướng dẫn của UBND TP. Hà Nội, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Hà Nội còn được liên ngành TP. Hà Nội hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm bằng các loại hình marketing như: xây dựng website, truyền thông online, sản xuất phim thương hiệu, in ấn các sản phẩm truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp/ sản phẩm...

Liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, riêng trong lĩnh vực ICT, được biết những  tháng qua, Trung tâm Giao dịch CNTT&TT - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TT&TT Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Cụ thể, Trung tâm này sau hơn 1 năm chính thức vận hành Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội, đến nay đã hoàn thành chu kỳ ươm tạo và trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 10 dự án/ý tưởng khởi nghiệp khóa 1; tiếp nhận 11 dự án/ý tưởng khởi nghiệp đã qua các vòng đánh giá để vào chu kỳ ươm tạo khóa 2 năm 2018; đồng thời làm việc với các trường đại học trao đổi hợp, tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng.

Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Giao dịch CNTT&TT đã cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tổ chức khóa học “Đổi mới tư duy Quản trị doanh nghiệp cùng với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0” cho các Giám đốc doanh nghiệp; đặc biệt là đã khai trương, duy trì hoạt động ổn định Cổng thông tin Doanh nghiệp Hà Nội, nhằm cung cấp thông tin về thị trường, pháp lý, tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cơ quan quản lý triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với từng phân khúc thị trường, nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm. Bởi đây là một trong những yếu tố quyết định vị thế của doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh.

Diệu Anh

Top