Hà Nội công nhận 6 đạo sắc phong tại đình Hoàng là tài liệu lưu trữ quý, hiếm

13/01/2021 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội vừa quyết định công nhận 6 đạo sắc phong đang lưu giữ tại đình Hoàng (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

6 đạo sắc phong đang lưu giữ tại đình Hoàng đủ điều kiện, tiêu chuẩn là tài liệu lưu trữ quý, hiếm, gồm: Đạo sắc phong cho Đông Chinh Phổ Huệ Phù Vận Ứng Chế Đại Vương (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 16-5 Cảnh Hưng 44-1783); Đạo sắc phong cho Tả Minh Hiến công chúa Tôn Thần (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 27-5 Khải Định 9-1924); Đạo sắc phong cho Hữu Minh Đạo phu nhân Tôn Thần (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 27-5 Khải Định 9-1924); Đạo sắc phong cho Đông Chinh Tôn Thần (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 27-5 Khải Định 9-1924); Đạo sắc phong cho Đông Chinh Hộ Quốc Phù Vận Ứng Chế Linh Tả Đại Vương (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 26-7 Cảnh Hưng 44-1783); Đạo sắc phong cho Đông Chinh Phổ Huệ Chiêu Tài Hộ Quốc Phù Vận Đại Vương (chất liệu giấy dó, ngôn ngữ Hán Nôm, thời gian tài liệu 26-7 Cảnh Hưng 44-1783).

Các đạo sắc phong này đều là bản gốc, tuy nhiên phần lớn đã rách, mất chữ. UBND thành phố Hà Nội giao cơ sở thờ tự đình Hoàng có trách nhiệm xây dựng phương án bảo quản an toàn, khoa học, bảo vệ giá trị nguyên gốc của các đạo sắc phong theo quy định.

Đình Hoàng hay đình Chạ là đình thôn Hoàng của xã Cổ Nhuế, bên trong thờ hoàng tử Đông Chinh vương. Tương truyền vào tháng 8 năm Đinh Mão, niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027), Ngài phụng chiếu vua cha là Lý Thái Tổ đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Vùng Cổ Nhuế lúc ấy nhà cửa còn đơn sơ, dân cư thưa thớt nhưng đã nhiệt tình tiếp đón Ngài cùng đoàn quân trên đường ra trận.

Đến tháng 2 năm sau, Ngài thắng trận trở về, dân làng lại ra đón rất thành kính. Khi vào triều, Ngài tâu với vua cha: “Đội ơn uy linh của trời đất, quân đi đến đâu thắng đó. Phàm những nơi đi qua và trở về có người dân ra đón hai bên đường, gồm 82 xã, đều muốn xin hoàng nhi làm phúc thần địa phương”. Vua chấp nhận, xuống chiếu ban cho dân Cổ Nhuế 1600 mẫu ruộng và miễn tô thuế.

Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng tử nhờ thầy phong thuỷ tìm được đất đẹp dựng chùa thờ Phật ở Cổ Nhuế. Thấy dân còn nghèo, công chúa thứ tư là Tả Minh Hiến đã bỏ tiền riêng ra xây. Khi dựng xong, chùa được đặt tên là Sùng Quang Tự (chùa Cả), dân làng xin thờ công chúa ở bên tả.

Cổ Nhuế ngày càng trù phú, dân cư đông đúc chia thành 2 phường với 14 thôn, trong đó có 4 thôn cổ là Hoàng, Đống, Trù, Viên. Ngoài đình thôn Hoàng còn có đình thôn Viên, đền Bà Chúa, với 3 ngôi chùa Sùng Quang, Trùng Hưng và Anh Linh (chùa Bé) là những kiến trúc từ quá khứ xa xăm. Ngày 25-01-1994, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Hoàng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Ngoài các bức chạm khắc độc đáo, hiện trong đình Hoàng còn có 17 đạo sắc phong từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn (Khải Định), 1 cuốn ngọc phả, 4 bức đại tự, 1 đôi câu đối sơn son thếp vàng ca ngợi công đức nhà Lý, 3 long ngai, 1 kiệu bát cống khắc chữ “Cảnh Hưng Giáp Thìn niên” (1784), 1 bộ sập thờ, 1 đôi voi đá, 1 quả chuông niên hiệu Thành Thái Kỷ Hợi (1899), 2 bộ tam sự, 3 bát nhang và đồ sứ quý.

Đình thôn Hoàng và các di tích tâm linh liên quan là nơi diễn ra một trong những lễ hội được cho là lâu đời nhất trên đất Hà Thành, được tổ chức cứ 5 năm một lần 3 ngày liền từ mùng 8 đến 10 tháng Hai âm lịch, kỷ niệm cuộc xuất quân dẹp giặc Văn Châu. Ngoài lễ dâng hương tế thành hoàng và đám rước các kiệu Hoàng tử, Phu nhân với Công chúa Tả Minh Hiến còn có nhiều trò chơi dân gian như hát dân ca, quan họ, chọi gà, đấu cờ người, đua nấu chè kho, thi thợ may giỏi…

Minh Anh

Top