Hà Nội - Điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh

04/06/2016 3:58 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và phát triển" - Ảnh Quang Hiếu

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và phát triển" tổ chức sáng nay (4/6) tại Khách sạn Lotte (54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).

Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã phát biểu về định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; những lợi thế của Hà Nội; những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo động lực để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; giới thiệu danh mục các dự án đầu tư mà Thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới.

Nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh như: Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngànhTrung ương và sự chung tay vun đắp của các tỉnh, thành phố trên cả nước với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”. Sự quan tâm đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng... Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để làm nền tảng cho Thành phố xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội cho Thành phốtrong thời gian tới.

Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với hơn 5000 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có một số di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Có một nền văn hóa nghệ thuật, di sản văn hoá phi vật thể và hơn 1.000 làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Có nhiều món ẩm thực nổi tiếng. Hà Nội có một không gian đô thị xanh, có nhiều hồ nước, có những khu phố cổ mang đậm bản sắc văn hóa Á - Âu, được thiên nhiên ưu đãi của một vùng khí hậu nhiệt đới.

Con người Hà Nội luôn cần cù, chăm chỉ, luôn cởi mở, thân thiện. Trên địa bàn Thành phố có trên 100 trường Đại học, cao đẳng, gần 300 cơ sở dạy nghề; nơi hội tụ nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của cả nước trên tất cả các lĩnh vực. Hà Nội cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao dễ dàng để các doanh nghiệp tuyển dụng với năng suất lao động ngày càng tăng cao (giai đoạn 2011-2015, tăng trung bình 8% năm).

Bên cạnh đó, Hà Nội luôn là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định. UNESCO đã trao tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu ‘’Thành phố vì Hoà bình’’. Hơn 15 năm qua danh hiệu đó vẫn phát huy giá trị. An toàn đã trở thành thương hiệu của Hà Nội, được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận.

Sau 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đúc rút ra nhiều những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường, cho nên trong nhiều năm qua Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục; đang trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế tầm khu vực, là thị trường sôi động với quy mô dân số lớn, là đầu mối trung chuyển nhiều hàng hóa của miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê Kông. Hà Nội cũng có nhiều thuận lợi trong giao thông, vận chuyển khi có một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và phát triển...

Bên cạnh đó, với vị trí là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội đã chủ động và tích cực tham gia sâu rộng, tận dụng tối đa được những cơ hội do vị thế của đất nước đem lại trong quá trình hội nhập quốc tế; Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới.

Đặc biệt, bước vào giai đoạn mới, Thành phố Hà Nội hiện nay đã hoàn thiện một bộ máy với một thế hệ lãnh đạo các cấp chính quyền mới trẻ trung, năng động, có kinh nghiệm, sáng tạo, quyết liệt và có truyền thống đoàn kết. Cùng với đó, Hà Nội có một thuận lợi rất quan trọng là sự tin tưởng, kì vọng lớn lao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, cộng đồng các doanh nghiệp đều mong muốn cùng đồng lòng với lãnh đạo Thành phố để chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Phấn đấu thu hút khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư

Thành phố Hà Nội đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 là: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5-9,0%; Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; GRDP bình quân/người đạt 6.700 - 6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%.

Để thực hiện những mục tiêu cụ thể đó, Thành phố đã định hướng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh; đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến. Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao.

Để đảm bảo mức tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,0%/năm và đạt được những mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần phải huy động tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, quan điểm đầu tư của Thành phố là: Kết nối với nguồn đầu tư của ngân sách Trung ương trên địa bàn, ngân sách Thành phố chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng; những dự án đặc thù về kỹ thuật: ví dụ như đầu tư sản xuất mạng điện, mạng lưới truyền dẫn, tư nhân sẽ đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Thành phố đặc biệt coi trọng và kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức.

Đối với đầu tư nước ngoài, Thành phố đổi mới chính sách thu hút đầu tư theo hướng: tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại…; Xây dựng chính sách phát triển riêng đối với một số ngành cụ thể - những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ. Lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

 

Thành phố kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức PPP, các dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và an sinh xã hội. Ngay trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh, ưu tiên đầu tư các hạ tầng xã hội, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn; đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt quan trọng công nghệ mới và năng lượng sạch, trong đó chú trọng đến công nghệ xanh và những công nghệ tiên tiến trong quản lý; đồng thời chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có kỉ luật để hội nhập với nền kinh tế ASEAN và thế giới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã thông báo những thông tin quan trọng về danh mục các dự án Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư. Theo đó, một là danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020 (Đợt 1), tập trung trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, y tế, khu công nghệ cao... Thành phố giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư (dự kiến) trên 338,7 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ đô la Mỹ. Hai là các danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa với tổng số 43 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 372,2 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định và cam kết Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.

Trong đó, Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; Tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Thành phố; Công khai minh bạchcác quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”...

Gia Huy - Thùy Linh

Top