Hà Nội: Gần 81 nghìn công nhân thiếu và mất việc làm do dịch bệnh

27/09/2021 11:52 AM

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Hà Nội đã có hàng chục nghìn công nhân lao động mất và thiếu việc làm. Bên cạnh đó cũng có gần 400 doanh nghiệp dừng hoạt động và 1.719 doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Các cấp LĐLĐ Thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ đến người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh - Ảnh: Thiện Tâm

Theo LĐLĐ Thành phố Hà Nội, đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) có diễn biến rất phức tạp, tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống việc làm, thu nhập của người lao động. Nguy cơ dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng và đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nơi tập trung đông công nhân lao động là rất lớn.

Phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn tham gia trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của các cấp Công đoàn Thủ đô, tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có 597 F0 là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Trong đó có 133 F0 là công nhân lao động trong các KCN&CX Hà Nội. Đến nay 190 người đã được điều trị khỏi bệnh, 407 người đang được điều trị, cách ly.

Ngoài ra, có 399 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.719 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động. Số công nhân lao động mất việc, thiếu việc làm là 80.996 người (trong đó mất việc là 19.638 người; thiếu việc làm là 61.358 người).

Do ảnh hưởng bởi dịch, để đảm bảo công tác an toàn phòng dịch theo quy định “3 tại chỗ”, “Một cung đường,hai điểm đến”, một số doanh nghiệp đã phải sắp sếp lại phương án sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động, chỉ sử dụng 1/2; 1/3 số lượng lao động; một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để sản xuất... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của người lao động. Đặc biệt là công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà trọ, người lao động trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập...

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn đó, các cấp Công đoàn Thành phố đã kịp thời có những hoạt động chăm lo, hỗ trợ kịp thời đối với người lao động, đoàn viên Công đoàn thông qua các chương trình hỗ trợ “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Túi an sinh Công đoàn”. Ngoài ra, căn cứ văn bản số 2560/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 3642 của UBND Thành phố. Phối hợp với người sử dụng lao động sắp xếp lại phương án sản xuất, phương án lao động phù hợp với tình hình phòng chống dịch cũng như quy định của pháp luật lao động.

Nhờ có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố đến nay vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm. Đồng thời người lao động đã nhận thức và chia sẻ với khó khăn, đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua đại dịch, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn.

Thiện Tâm

Top