Hà Nội: Mua sắm qua thương mại điện tử tăng tới 50% trong đợt giãn cách

23/09/2021 5:52 PM

(Chinhphu.vn) - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong đợt giãn cách vừa qua, theo thống kê, mức tiêu thụ hàng hóa trên thương mại điện tử tăng từ 30% đến 50% so với những ngày bình thường.

Nhu cầu mua sắm qua mạng của người dân Thủ đô tăng tới 50% trong đợt giãn cách. Ảnh minh hoạ

Qua 4 lần giãn cách, ngành Công Thương Hà Nội vẫn bảo đảm công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt trong đợt giãn cách thứ 4, khi Thành phố phân làm 3 vùng chống dịch, Sở Công Thương đã xây dựng phương án cụ thể điều phối hàng hóa giữa 3 vùng, bảo đảm hàng hóa được vận chuyển, lưu thông bình thường, không để thiếu hàng, tăng giá.

Không chỉ bảo đảm tiêu thụ nông sản cho các huyện của Hà Nội, Sở Công Thương còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho 22 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội. Tính riêng 10 ngày qua, Hà Nội đã tiêu thụ trên 200 nghìn tấn nông sản, thủy hải sản của các tỉnh.

Cùng với tạo mọi điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường, Hà Nội cũng quan tâm xét nghiệm, tiêm vaccine cho lao động trong hệ thống phân phối hàng hóa, đến nay đều được tiêm ít nhất 1 mũi.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức bán hàng, nhất là thương mại điện tử. Theo thống kê, mức tiêu thụ trên thương mại điện tử tăng từ 30% đến 50% so với những ngày bình thường.

Nhấn mạnh về vai trò của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch COVID-19, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh đã phổ biến, nên bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng thương mại điện tử sẽ là xu hướng tất yếu. Thương mại điện tử sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối “các nhà” thông qua thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương sẽ tham mưu, ban hành tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án bảo đảm sản xuất an toàn; nắm bắt đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với thành phố và Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, như vốn, thuế, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, giảm hàng tồn kho...

Khi tình hình dịch được kiểm soát, Sở sẽ tham mưu Thành phố cho triển khai các đợt kích cầu thương mại, giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thị sản phẩm, nhất là các làng nghề...

Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp, tiểu thương ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

Thùy Linh

Top