Hà Nội: Shipper phải tuân thủ quy định nào?

15/09/2021 2:39 PM

(Chinhphu.vn) – Các doanh nghiệp thực hiện hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa bằng mô tô, xe hai bánh cần thông báo, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên giao hàng không làm thêm bên ngoài, không nhận vận chuyển hàng của các doanh nghiệp khác hoặc nhóm giao hàng trên ứng dụng xã hội…

Nhân viên vận chuyển hàng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa

Sở Công Thương Hà Nội vừa có Công văn số 3941/SCT-QLTM gửi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương về việc tuân thủ các quy định vận chuyển hàng hóa bằng mô tô, xe hai bánh.

Cụ thể, hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa bằng xe mô tô, xe hai bánh của doanh nghiệp phải thực hiện theo thời gian quy định từ 9h đến 20h hằng ngày tại Vùng 1. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thông báo, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên giao hàng được cấp giấy đi đường có nhận diện không làm thêm bên ngoài, không nhận chuyển hàng của các doanh nghiệp khác, nhóm giao hàng trên ứng dụng mạng xã hội...

Đối với những trường hợp nhân viên đã được cấp giấy đi đường có nhận diện của doanh nghiệp xin nghỉ việc, đơn vị phải thực hiện thu hồi, báo cáo và gửi lại giấy đi đường về Sở Công Thương theo quy định.

Doanh nghiệp, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc tuân thủ các quy định vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe hai bánh của đơn vị được cấp giấy đi đường có nhận diện. Lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trao đổi về việc này, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương đã phối hợp thực hiện cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Vùng 1 để được thuận lợi cung ứng, lưu thông hàng hóa, phục vụ an sinh xã hội trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

“Do đó đề nghị lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng giấy đi đường có nhận diện của doanh nghiệp để vận chuyển những mặt hàng không thiết yếu, di chuyển quá giờ quy định”, bà Lan nhấn mạnh.

Lũy kế đến 18h00 ngày 14/9, Sở Công Thương Hà Nội đã tổng hợp, gửi Công an Thành phố thông tin của 947 doanh nghiệp kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý.

Về cung ứng hàng hóa, thị trường trên địa bàn Hà Nội tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (gồm 40/449 chợ và 7/1.800 cửa hàng tiện ích).

Thùy Linh

Top