Hà Nội thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê

13/09/2021 10:13 AM

(Chinhphu.vn) - Sở LĐTB&XH Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, thống kê, tổng hợp danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê gửi về Sở trước ngày 14/9/2021 để kịp thời báo cáo UBND Thành phố.

Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa.

Để tổng hợp nhu cầu trở về quê của người lao động, người dân ngoại tỉnh báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/9/2021, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 5157/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 11/9, gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê.

Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, thực hiện Công văn số 3009/UBND-KGVX ngày 10/9/2021 của UBND TP. Hà Nội về việc đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố; trong đó giao Sở LĐTB&XH Hà Nội tổng hợp nhu cầu trở về quê của lao động ngoại tỉnh theo đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ động liên hệ với sở LĐTB&XH các tỉnh, Thành phố có liên quan, chủ trì phối hợp với Công an Thành phố xây dựng phương án hỗ trợ khi có đủ điều kiện, báo cáo UBND Thành phố.

Thực hiện yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, để tổng hợp nhu cầu trở về quê của người lao động, người dân ngoại tỉnh báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/9/2021, Sở LĐTB&XH Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, thống kê tổng hợp danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê. UBND các quận, huyện, thị xã gửi văn bản tổng hợp danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê về Sở trước ngày 14/9/2021 để kịp thời báo cáo UBND Thành phố.

Theo thống kê sơ bộ trước đó, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định. Để người lao động ngoại tỉnh vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hỗ trợ bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động các chủ hộ có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê nhà; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ túi an sinh cho lao động tự do ngoại tỉnh.

Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, đến cuối ngày 12/9, các đơn vị bảo trợ xã hội trên địa bàn đã tiếp nhận 89 đối tượng lang thang từ cộng đồng, trong đó có nhiều người là lao động tự do bị kẹt lại Hà Nội. Những đối tượng lao động lang thang được các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2647/UBND-KGVX ngày 14/8/2021 yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc "4 tại chỗ" theo chỉ đạo của UBND Thành phố; linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do dịch COVID-19 không có nơi cư trú. UBND các quận, huyện chỉ đạo, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 không có nơi cư trú trên địa bàn quản lý. Đồng thời tổng hợp phân loại đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58/NQ-CP, Quyết định số 3642/QĐ-UBND và các chính sách đặc thù hỗ trợ của Thành phố.

Để có phương án hỗ trợ người lao động tốt nhất, các địa phương chỉ đạo rà soát, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn và tổng hợp, phân loại các đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố Hà Nội và các chính sách đặc thù khác của thành phố. Với các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng, các địa phương khẩn trương hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết chế độ hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; đồng thời phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại các điểm tạm trú.

Hòa An

Top