Hà Nội thực hiện đúng 8 cam kết với UNESCO về Hoàng thành Thăng Long

24/11/2020 11:25 AM

(Chinhphu.vn) – Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Sở, ngành liên quan đã thực hiện đúng 8 cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Anh

Hội thảo khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long" được tổ chức chiều 23/11 đã nhận được gần 40 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn, quản lý… trong và ngoài nước. Các tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích, di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản. Nội dung các tham luận bám sát 2 chủ đề là: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc, quản lý bền vững các Khu di sản ở Việt Nam và thế giới - kinh nghiệm; định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; giáo dục di sản.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong một thập kỷ qua hoạt động khai quật khảo cổ học; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị; sự hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, trưng bày; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long thông qua kết quả nghiên cứu khoa học…

Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại. Đây là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII-IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX... 

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, cùng với những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như di tích Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang được bảo tồn tại chỗ; các di tích ở các lớp văn hoá khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại, từ đó có những định hướng bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…

Theo ông Trần Việt Anh, mục đích nhằm bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là công việc đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà khoa học. Việc Bảo tồn di sản văn hóa, một di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long mà bao thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và được giữ gìn trong lòng đất hàng ngàn năm là công việc cần có những hướng đi đúng, cần có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững, phát huy giá trị di sản và chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp. 

Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa - UNESCO Bộ Ngoại giao, với mục tiêu phát triển bền vững, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần cân nhắc việc chuyển dịch trọng tâm đầu tư từ tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng sang tăng cường trùng tu, bảo trì di sản; thiết lập và áp dụng các tiêu chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm tính xác thực của di sản; gắn phát triển cộng đồng với trách nhiệm bảo tồn di sản.

Tại Hội thảo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP. Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định trong suốt 10 năm qua, Hà Nội đã cùng với Bộ VHTT&DL và các Sở, ngành liên quan đã chấp hành đúng 8 cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng khẳng định, kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan đã quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn cũng như mở cửa đón khách tham quan, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị để khu di sản mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.             

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh phát triển đô thị cũng được đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Theo ông Ngô Văn Quý, hội thảo khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long" còn góp phần để nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản trên nhiều phương diện từ quy hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá… đến bảo tồn, phát huy giá trị. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Minh Anh

Top