Hà Nội tiếp tục giữ vững là điểm du lịch hấp dẫn

04/07/2016 4:24 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng du lịch Thủ đô vẫn chủ động thực hiện các giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thể giới, các chỉ tiêu về lượng khách du lịch đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao với kế hoạch năm.

Khách quốc tế đến Hà Nội tăng 34%

Trong 6 tháng đầu năm khách quốc tế đến Hà Nội đạt trên 2 triệu lượt, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, khách quốc tế có lưu trú đạt 1,5 triệu lượt, tăng 38% so với cùng kỳ.

Khách nội địa đến Hà Nội đạt gần 9 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ; Tổng khách đạt hơn 11 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015; Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015.

Những con số trên đã cho thấy, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục giữ vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Hoạt động du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ.

Trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội, Trung Quốc tiếp tục là thị trường có lượng khách lớn đến Thủ đô. Tính trong 5 tháng đầu năm, khách Trung Quốc đến Hà Nội trên 225 nghìn lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; Thái Lan đạt 42,7 nghìn lượt, tăng 48%; Đức đạt 54,2 nghìn lượt, tăng 32%; Malaysia đạt 33,6 nghin lượt, tăng 31%...

Đối với 5 quốc gia miễn thị thực (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý) khi đến Việt Nam đều có sự tăng trưởng. Về cơ bản khách từ các thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2016 đều tăng khá, cụ thể: Pháp đạt 81,4 nghìn lượt, tăng 23%; Đức đạt 54,2 nghìn lượt, tăng 32%; Tây Ban Nha đạt 12,7 nghìn lượt, tăng 40%; Ý đạt 14,3 nghìn lượt, tăng 48%.

Xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh theo các trục trọng tâm

Tuy con số khách du lịch đến Thủ đô tiếp tục tăng nhưng ngành du lịch cũng đã đưa ra nhận định, tốc độ tăng của ngành tuy có nhiều khởi sắc nhưng kết quả đạt được còn chưa phù hợp, đóng góp vào GDP của Thành phố còn chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa - di sản, làng nghề - phố nghề, làng cổ. Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.

Quy mô các doanh nghiệp du lịch đa số còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế. Nguồn nhân lực ở một số khâu, một số bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Vấn đề môi trường, tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch về cơ bản đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần phải giải quyết. Vẫn xảy ra tình trạng chèo kéo, ép giá, ép khách ít nhiều làm ảnh hưởng tới ấn tượng của du khách.

Chính vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung tạo dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh theo các trục trọng tâm: Khu vực Phố cổ, phố cũ và Hồ Hoàn Kiếm; Khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi 2 bên Sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực Đông Anh gắn với du lịch tâm linh Cổ Loa - Múa rối nước Đào Thục và khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khu vực Ba Vì và vùng phụ cận: Làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, Làng nghề Thường Tín, làng nghề Bát Tràng.

Thành phố cũng kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch khu vực Hồ Tây (Hồ nước, trên không và xung quanh Hồ); Sông Hồng và 2 bên sông Hồng để phát triển du lịch; xây dựng đặc khu du lịch tại Đông Anh.

Ngoài ra, Thành phố tạo điều kiện về ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp để sớm khai thác, phát triển không gian du lịch Hồ Tây; xây dựng điểm trung chuyển dành cho khách du lịch đến Hà Nội.

Để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm đến, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, công nhận các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, nhà hàng…đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổ chức các cuộc bình chọn top 10, top 100 các món ăn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp vận chuyển, công ty lữ hành, hướng dẫn viên, bảo tang, nhà hát, điểm mua sắm… cho khách du lịch có nhiều cơ hội được lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.

Lam Giang

Top