Hà Nội: Tổng lực, tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công

16/10/2021 12:37 PM

(Chinhphu.vn) - Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư tổng lực, tận dụng từng giờ, xác định chi tiết khó khăn, vướng mắc của từng dự án, kèm theo giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đặt ra.

Hà Nội đang tập trung cao độ, nỗ lực vượt bậc để giải ngân vốn đầu tư công trong quý IV/2021. Ảnh: Gia Huy

Tập trung cao độ, nỗ lực vượt bậc để giải ngân trong quý IV/2021

Trong văn bản ngày 11/10/2021 gửi các sở, ngành, chủ đầu tư dự án cấp Thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 toàn Thành phố đạt 30,04% kế hoạch giao đầu năm, đạt 33,3% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh và chỉ bằng 36,8% kế hoạch Thủ tướng giao là mức giải ngân thấp, không đạt yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành phố.

Ngay hôm sau (12/10), Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, ban quản lý các dự án nhằm đôn đốc, phân tích rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp cụ thể cho từng nhóm vướng mắc để từ nay cuối năm để hoàn thành cao nhất chỉ tiêu giải ngân năm 2021.

Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh ở quý II/2021, Hà Nội có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khoảng 40%-45%, tuy nhiên đến quý III, tỷ lệ giải ngân thấp hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đều này đặt ra cho Hà Nội nhiệm vụ phải nỗ lực vượt bậc trong quý IV.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, đến ngày 11/10/2021, toàn Thành phố giải ngân được trên 15.779 tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao.

Một số lĩnh vực đạt tỷ lệ giải ngân tốt là: Quốc phòng (70,67%), Thể dục thể thao (78,34%), Tòa án (69,73%). Một số lĩnh vực giải ngân thấp dưới 25% là: Giao thông (23,18%), Hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước (23,18%), Kiểm sát (22,13%), Bảo vệ môi trường (9,87%), Văn hóa thông tin (2,43%), Phát thanh truyền hình (0%).

Một số sở, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ giải ngân tốt như: Thanh Trì đạt 100%, Đống Đa đạt 93%, Đan Phượng đạt 82,5%, Bộ Tư lệnh Thủ đô đạt 70,7%, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội đạt 46%, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 47,3% kế hoạch giao đầu năm. Có 7 quận, huyện, thị xã thực hiện các dự án nhiệm vụ chi thành phố có tỷ lệ giải ngân dưới 10%: Nam Từ Liêm (0%), Ba Đình (0%), Hoàng Mai (0%), Ứng Hòa (0,4%); Sơn Tây (3,3%), Mỹ Đức (3,9%), Thạch Thất (4,7%)…

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau, theo Sở KH&ĐT, nguyên nhân do giãn cách xã hội nên hầu hết các dự án phải dừng thi công khoảng gần 3 tháng, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, tiến độ triển khai, khối lượng thi công với các dự án đã được giao vốn và chậm điều chỉnh kế hoạch năm 2021. Ngoài ra, giai đoạn vừa qua giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành xây dựng và tiến độ thực hiện

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường… làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án. Một số dự án ODA đang triển khai tại Hà Nội cũng gặp một số khó khăn vướng mắc, như do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các chuyên gia sang Việt Nam gặp khó khăn; các thiết bị cho các dự án phải nhập khẩu đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; vướng mắc về điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu do tiến độ bị thực hiện dự án kéo dài…

Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng các nguyên nhân Sở KH&ĐT nêu đều chính xác. Thời gian qua, đặc biệt là ở quý III/2021, đúng ở giai đoạn đầu tư, thi công xây dựng các công trình thì Thành phố phải tập trung cho công tác chống dịch, thời gian giãn cách xã hội gần 3 tháng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án, công trình. Vì vậy, trong quý IV/2021 đòi hỏi khả năng tổng lực của Hà Nội, tập trung cao để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Cam kết giải ngân tối thiểu 95% đúng theo kế hoạch

Trong kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 11/10, hầu hết các Ban quản lý dự án đều có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 40%: Ban Giao thông đạt 39,5%, Ban Đường sắt đạt 25%, Ban Công trình dân dụng đạt 12,7%, Ban Cấp thoát nước và môi trường đạt trên 10%...

Nguyên nhân được Ban quản lý nêu phần lớn là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chuyên gia sang Việt Nam khó khăn, các thiết bị nhập khẩu không về đúng tiến độ, vướng mắc liên quan dịch vụ tư vấn, chậm do giải phóng mặt bằng một số dự án...  Tại cuộc họp với UBND Thành phố, đại diện các Ban quản lý đều cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành trên 95% kế hoạch giải ngân của năm.

Khó khăn được các quận, huyện nêu cũng đều tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể là do giãn cách xã hội nên một số quy trình giải phóng mặt bằng chậm, một số dự án phê duyệt còn chậm, một số dự án phải phê duyệt bổ sung…  Tuy nhiên, các quận, huyện cũng bày tỏ sự quyết tâm, nỗ lực để đến hết năm 2021 đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Thành phố đã có 6 tổ công tác đề rà soát, nhận diện cụ thể khó khăn, vướng mắc của từng dựng án để tháo gỡ. Đồng thời, Thành phố cũng họp các cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ cho các dự án PP, dự án công trình giao thông hoặc tháo gỡ về giải phóng mặt bằng gắn với từng dự án đầu tư… như vậy mới bảo đảm hiệu quả cần thiết. Phó Chủ tịch nhấn mạnh năm 2021 là năm kỷ cương sáng tạo, đổi mới, phát triển nên các đơn vị đều phải cố gắng khi thời gian chỉ còn gần 3 tháng.

Tại cuộc họp nêu trên, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, từ khó khăn thì phải có nỗ lực, các đơn vị phải cùng nhau quyết tâm thực hiện mục tiêu trong các tháng còn lại của quý IV/2021. Áp lực và thách thức trước mắt lớn, thời gian còn lại ít nên phải tận dụng từng giờ, từng phút với quyết tâm và nỗ lực cao nhất về tiến độ giải ngân đầu tư công. Các chủ đầu tư phải chi tiết hoá từng khó khăn vướng mắc, chi tiết từng giải pháp tương xứng và tiến độ kèm theo của các dự án từ nay đến cuối năm để đạt tiến độ giải ngân đặt ra của năm 2021.

Trong nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công các tháng cuối năm 2021, Hà Nội xác định việc thúc đẩy thực hiện và giải ngân Kế hoạch đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Kiên định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thành phố yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cần đề xuất và thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tiếp tục tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài của đơn vị mình cho từng nhiệm vụ, dự án, đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại từng thời điểm cụ thể.

Kết quả giải ngân của mỗi sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư đều ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của toàn Thành phố, vì vậy cần tập trung thực hiện giải ngân để đạt được kết quả như đã cam kết. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về việc thực hiện kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện (bao gồm cả nguồn phân cấp và nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ). Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công của mỗi đơn vị.

Gia Huy

Top