Hiệu quả từ sản xuất, tiêu thụ nông sản chuỗi an toàn

15/07/2020 11:56 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nông sản an toàn, đến nay Hà Nội đã tăng 26 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng 3 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm so với năm 2019.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm dưa lưới giữa Cty cổ phần đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Green bath về thị trường Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm với trên 5.000 ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã. Đồng thời duy trì trên 1.300 ha VietGAP rau, quả, chè; 181 ha VietGAP nuôi trồng thủy sản… và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 26 mô hình so với năm 2019).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tăng 3 chuỗi so với năm 2019. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Đến nay đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Ngành cũng hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.

Nhằm tuyên dương, quảng bá, kết nối các sản phẩm bảo đảm an toàn, đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 301 sản phẩm OCOP với 6 sản phẩm đạt 5 sao, 207 sản phẩm đạt 4 sao, 88 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 243 các sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản.

Thực hiện khảo sát 30 cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản nhằm hỗ trợ xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Qua đó đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 20 chuỗi so với năm 2019), trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT.

Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn, các sản phẩm được doanh nghiệp, siêu thị Hà Nội kết nối như: Sản phẩm thành phố Hà Nội (Bưởi diễn Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Chương Mỹ, cam canh, gà đồi Ba Vì, Gà mía Sơn Tây, Trứng Tiên Viên, Ba Huân, gạo Bảo Minh, Rau củ quả các  các loại, Ổi, phật thủ...), sản phẩm tỉnh Yên Bái (Gạo các loại: Séng cù, nếp Tú Lệ, tẻ đỏ; Cam Văn Chấn; thịt trâu, thịt lợn gác bếp, măng khô...); Tỉnh Lạng Sơn (Na Chi Lăng, Măng ớt, quế, hồi...); Tỉnh Bắc Giang (Vải thiều Lục Ngạn, Gà đồi Yên Thế, Mỳ chũ...); tỉnh Hòa Bình (Cam Cao Phong, măng, miến, Cá sông Đà, Bưởi đỏ Tân Lạc...).

Thiện Tâm

Top