Hồi sinh dòng tranh dân gian truyền thống

25/08/2016 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngoài cách khơi gợi tình yêu với nghệ thuật truyền thống qua việc được tiếp cận nghề ngay từ nhỏ thì cần đi liền với các giải pháp về kinh tế để người trẻ có thể sống được bằng nghề mới không tránh khỏi nghề bị mai một, thất truyền.

Dòng tranh Hàng Trống tại Hà Nội chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên trao truyền cho con trai. Ảnh: Gia Hân

GS.TS.Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ thực trạng tồn tại, nhu cầu được phát huy giá trị của dòng tranh dân gian truyền thống.

Thưa ông, dòng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động gì từ biến đổi kinh tế - xã hội qua các thời kỳ?

GS.TS.Trương Quốc Bình: Tranh dân gian Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam do tính chất lâu đời và phổ biến.Về cơ bản, tranh được in từ các bản khắc gỗ vẽ mầu nhưng  mỗi nơi lại có những  kỹ thuật riêng tạo nên đặc trưng của mỗi trung tâm, mỗi làng nghề được gọi theo địa danh hành chính như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ ), Nam Hoành (Nghệ An), Sình (Huế)…

Với ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ , nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi. Trước đây, việc sản xuất tranh dân gian mở rộng ở nhiều địa phương, hoặc tập trung thành từng làng, hoặc do từng hộ in riêng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ to lớn của cư dân tại khắp mọi miền của đất nước.

Tuy nhiên, trước những biến đổi cơ bản về kinh tế - xã hội hiện nay, các dòng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ về nguyên vật liệu, về tiêu thụ sản phẩm, việc kế nghiệp các nghệ nhân gặp khó khăn có thể đẩy các dòng tranh dân gian đứng trước những nguy cơ của sự thất truyền.

Đây là tình trạng chung trong văn hóa truyền thống, việc trao truyền đang gặp những khó khăn, những nghệ nhân về văn hóa phi vật thể như tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử… cũng đã phản ánh “có người trao nhưng không biết truyền cho ai”. Nghề thủ công truyền thống, trong đó có tranh dân gian cũng rơi vào tình trạng như vậy, việc trao truyền rất khó.

Vậy nguyên nhân cụ thể của những biến đổi này là do đâu?

GS.TS.Trương Quốc Bình: Có thể nói là, do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa.

Ngoài ra, các dòng tranh cũng ảnh hưởng của quá trình lịch sử như từ sau trận lụt lịch sử năm 1915, khi các ván in tranh bị mất, nghề làm tranh ở Kim Hoàng đã không còn được tiếp tục và đã hoàn toàn biến mất vào những năm 40, 50 của thế kỷ trước . Tranh thờ tại Làng Sình ngày càng thu hẹp diện tiêu thụ và quy mô sản xuất.

Trong các thập kỷ 60 đến 80 của thế kỷ XX, các dòng tranh, làng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống bị những tác động không nhỏ về kinh tế xã hội, sản xuất bị đình trệ do sự khan hiếm nguồn nguyên liệu truyền thống, đặc biệt là do không có nguồn tiêu thụ sản phẩm. Không ít các hộ gia đình làm tranh chuyển sang sản xuất đồ mã.

Một trong những yếu tố bị ảnh hưởng khác là tình trạng loại bỏ những chữ Hán Nôm trong các bản khắc. Việc một số hộ sản xuất đã đục bỏ các phần chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều bức ván in đã khiến cho ý nghĩa của các bức tranh này bị ảnh hưởng, làm suy giảm tính nguyên gốc, tính hấp dẫn của những họa phẩm này. Với giá trị về ngôn ngữ, việc loại bỏ những chữ như “Đại Cát”, những lời chúc mọi sự bình an… đã làm mất một phần nội dung giá trị của tranh.

Sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy (trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh), sử dụng màu vẽ  công nhiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống.

Một trong những thực trạng quan trọng khác cần kể đến là số gia đình và nghệ nhân tranh dân gian tại các làng tranh truyền thống như Đông Hồ và Làng Sình  còn lại không nhiều. Đặc biệt là, dòng tranh Hàng Trống tại Hà Nội chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Như vậy, đứng trước nguy cơ thất truyền, có khả năng mai một, tranh dân gian đã được quan tâm bảo tồn như thế nào, thưa ông?

GS.TS.Trương Quốc Bình: Chính vì nguy cơ thất truyền, mai một nên rất cần có những chính sách, những giải pháp hữu hiệu để duy trì và phát triển các di sản văn hóa này. Từ những thập kỷ cuối của Thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian ở Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều tranh dân gian và ván in tranh đã được sưu tầm, giới thiệu tại các Bảo tàng.

Việc bảo tồn nghề và làng nghề tranh dân gian cũng được đặt ra trong một số dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, sưu tầm, giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học; đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống…

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, cần tổng thể các giải pháp bảo tồn mạnh mẽ hơn nữa, lồng nghép vào phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; quảng bá, xúc tiến, xuất bản sách chuyên đề; các giải pháp tiêu thụ sản phẩm; chính sách tôn vinh nghệ nhân, nghệ sỹ; giải pháp cụ thể hơn về đào tạo, truyền dạy, truyền nghề.

Ông vừa nhắc tới việc “có người trao nhưng không biết truyền cho ai”, vậy làm thế nào để thế hệ trẻ không quay lưng lại với những ngành nghề thủ công truyền thống?

GS.TS.Trương Quốc Bình: Tôi cho rằng, vấn đề nghề thủ công truyền thống không hấp dẫn giới trẻ, kể cả những bạn trẻ sinh ra, lớn lên, tiếp cận trực tiếp với nghề ngay từ nhỏ là do xuất tranh thu nhập không cao bằng các ngành nghề khác. Khi không đáp ứng được nhu cầu sống việc thoát ly nghề của gia đình là điều không tránh khỏi, không thể bắt các bạn phải theo ý muốn của người đi trước khi buộc con cái phải theo nghề của cha ông.

Chính vì vậy, sự truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này.

Vì vậy, ngoài giải pháp giáo dục, vun đắp tình yêu thiết tha với nghề ngay từ nhỏ thì cần các giải pháp thiết thực hơn về kinh tế, phải sống được bằng nghề thì mới trao truyền, bảo tồn và phát huy được giá trị của nghề thủ công truyền thống, trong đó có tranh dân gian.

Giải pháp này có thể lồng nghép trong xây dựng trung tâm văn hóa du lịch, lấy việc sản xuất tranh dân gian làm đối tượng tham quan, tạo điều kiện để khách du lịch trải nghiệm việc in tranh, coi các ấn phẩm là sản phẩm du lịch đặc thù; khuyến khích việc sưu tầm các tư liệu lịch sử về tranh dân gian Việt Nam. Đồng thời, phục hồi các loại ván in tranh theo nguyên mẫu các bức tranh mới tìm được, lưu ý việc phục hồi các loại chữ Hán, Nôm đã bị đục bỏ trước đây.

Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Hân thực hiện

Top