Hơn 600 hiện vật được tìm thấy trong đợt khai quận di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối

09/06/2021 5:44 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Viện khảo cổ học Việt Nam, thống kê đợt khai quật di chỉ Vườn Chuối năm 2020-2021 vừa qua đã thu được 613 hiện vật các chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt và 106.364 mảnh gốm. Ðáng chú ý, phát hiện 19 mộ táng Ðông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố trong khu di chỉ. Thông tin vừa mới được tổ chức công bố tại huyện Hoài Đức.

Một số hiện vật được khai quật tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Minh Anh

Cụm di chỉ Vườn Chuối có diện tích tự nhiên 18.446m2 nằm tại thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức bao gồm gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng và gò Chiều Vậy. Đây là một trong những địa chỉ khảo cổ độc đáo của thành phố Hà Nội được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.

Năm 2019, PSG.TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện Trưởng Viện khảo cổ học cùng đoàn công tác tiếp tục tiến hành khảo sát 2 hố khai quật và 52 hố thăm dò ở nửa phía Tây, từ đó làm rõ được phạm vi phân bố của di chỉ Vườn Chuối. Dựa trên chủ trương của Thành phố, năm 2020-2021, 3 hố khai quật có tổng diện tích 150m2 được mở ở nửa phía Đông với mục tiêu đánh giá giá trị của nửa phía Đông trong tương quan với nửa phía Tây của di chỉ, từ đó triển khai các bước tiếp theo nhằm bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.

Trải qua nhiều cuộc khảo sát, thăm dò và khai quật nghiên cứu từ trước đến nay với tổng diện tích khoảng 1.207m2, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều hiện vật, tư liệu cung cấp thông tin về cuộc sống của con người cổ đại cách đây khoảng 3.000 năm. Đặc biệt, di chỉ Vườn Chuối được xác định là một hệ di tích phát triển qua các giai đoạn với 3 lớp văn hóa chồng lên nhau gồm Đông Sơn, Đồng Đậu và Gò Mun. Thống kê đợt khai quật di chỉ Vườn Chuối năm 2020-2021 vừa qua đã thu được 613 hiện vật các chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt và 106.364 mảnh gốm. Ðáng chú ý, phát hiện 19 mộ táng Ðông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố trong khu di chỉ. Các hiện vật cho biết nhiều thông tin quý báu về đời sống kinh tế - xã hội của cư dân Việt cổ, như sự phát triển của một nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước, chế tác đồ đá, đồ gốm, đúc đồng, se sợi dệt vải, sự phát triển của nghề đánh cá… Cũng như trình độ kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân những nền văn hóa Ðồng Ðậu - Gò Mun - Ðông Sơn thông qua những dụng cụ tinh xảo, nhất là những hiện vật là đồ trang sức.

Theo quy hoạch, đường vành đai 3.5 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức sẽ chạy qua khu di chỉ Vườn Chuối. Do đó, để bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa quý giá song hành với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của Thành phố, Viện khảo cổ học đề xuất phương án khai quật di dời nửa phía Tây và Tây Nam di chỉ với diện tích khoảng 8.696m2. Việc khai quật di dời di tích ở khu vực này góp phần thu thập và lưu giữ tư liệu nghiên cứu về người Việt cổ trong quá trình phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu sớm cho đến thời điểm kết thúc văn hóa Đông Sơn; góp thêm tư liệu nghiên cứu tổng thể di chỉ và giai đoạn Tiền Sơ sử ở Hà Nội.

Tham dự hội nghị Công bố kết quả khảo cổ, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, xem xét và đưa ra các giải pháp khác nhau để xử lý di tích. Trong đó, phần lớn các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần sớm có phương án, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách phù hợp, đồng thời không làm cản trở quá trình phát triển của đô thị; đề xuất Thành phố xây dựng di chỉ Vườn Chuối thành một công viên lịch sử văn hóa, một bảo tàng giới thiệu những hiện vật đã khai quật được tại đây; đặc biệt sớm hoàn thiện hồ sơ xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với di chỉ Vườn Chuối.

Ông Nguyễn Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Di chỉ Vườn Chuối nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức là niềm tự hào cũng như trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử quý báu mà di chỉ để lại. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn từ Trung ương tới địa phương nhằm sớm đưa di chỉ Vườn Chuối được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đặc biệt, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025), huyện Hoài Đức định hướng phát triển lĩnh vực du lịch, trọng điểm là du lịch tâm linh. Do đó, di chỉ Vườn chuối là một trong những di tích có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng để huyện triển khai đầu tư xây dựng nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Đại diện Sở Văn hóa&Thể thao Hà Nội cho biết, Sở đề nghị UBND huyện, các phòng, ban huyện và xã Kim Chung sẽ tạo điều kiện, cùng với Sở, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Viện khảo cổ học triển khai đồng bộ các bước tiếp theo.

Minh Anh

 

Top