Hợp tác xã tăng doanh thu nhờ chuyển đổi số

27/11/2021 12:54 PM

(Chinhphu.vn) - Ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) vẫn tăng 10% doanh thu dù ảnh hưởng dịch bệnh. Đây cũng là câu chuyện phổ biến của nhiều HTX đã thích ứng nhanh trong tình hình dịch bệnh.

Rau của HTX rsu sạch Chúc Sơn được ưa chuộng từ hình thức đến chất lượng - Ảnh: An Khuê

Một trong những HTX ở Hà Nội tiên phong phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh

Ông Hoàng Văn Khảm giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi luôn trăn trở 2 vấn đề. Thứ nhất, sản phẩm của người nông dân được sản xuất và tiêu thụ một cách ổn định. Thứ hai, các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tin tưởng vào quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói các sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, điều kiện bình thường mới hiện nay”.

Ông Hoàng Văn Khảm cho biết: “Hơn 5 năm trước, HTX khi đó chỉ có vài thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha, là tập hợp một nhóm hộ nông dân tâm huyết, cùng đam mê với nghề trồng rau sạch. Mong ước của nhóm nông dân này lúc bấy giờ chỉ đơn giản là hình thành được một vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Giáp Ngọ”.

Theo đó, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong số ít HTX ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của HTX một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch điện tử thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, HTX đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống HTX với các giải pháp đồng bộ như nhật kí điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.

Ông Khảm nhấn mạnh, việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng.

“Mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết Cục cũng như Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đang triển khai tại 6 tỉnh trong cả nước các biện pháp số hoá sản xuất của các HTX với mong muốn minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất thông qua các công nghệ. “Chúng tôi mong muốn sau quá trình thử nghiệm tại 6 tỉnh, sản phẩm nông sản của các HTX sẽ được gắn tem truy xuất thông minh, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp. Đồng thời, với giải pháp này, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các HTX trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu”, ông Lê Đức Thịnh thông tin.

Minh bạch sản xuất nông sản “online”

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) đã có những chia sẻ về Giải pháp Ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos, MobiAgri phục vụ chuyển đổi số và bảo hiểm nông nghiệp trong hệ thống HTX.

Theo đó, ông Mai Quang Vinh cho rằng để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua Chứng nhận TCVN, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; Chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; Quy chuẩn sản xuất; Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; Xác thực thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của bên thứ 3; Khả năng kết nối thị trường qua các nền tảng, hợp đồng liên kết chuỗi giá trị.

Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật kí điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.

“Chúng ta có thể theo dõi lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam chia sẻ.

Ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) chia sẻ về kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp; Sàn Blockchain thương mại điện tử phục vụ kinh tế số HTX nông nghiệp.

Theo ông Vũ, công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong xu hướng đi theo công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại đa lợi ích, cho cả cơ quan quản lý nhà nước, HTX, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ. Về phía HTX, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp nông sản minh bạch, thông tin rõ ràng khi xuất khẩu, giúp tạo dựng niềm tin ban đầu giữa người bán và người mua.

Mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 tổ chức 2 khóa học miễn phí về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trực tuyến. Phát biểu khai mạc khóa học, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phương pháp bán hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn. Để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân thì việc tiêu thụ thông qua các hình thức thương mại điện tử như bán hàng trực tuyến và livestream là giải pháp hiệu quả. Qua đó, người dân cũng thuận lợi hơn trong việc mua sắm thực phẩm và bảo đảm giãn cách xã hội, an toàn phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 17 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội”.

Đây cũng là một cách thức gắn kết hiệu quả các HTX với thị trường thương mại nông sản “online” đang ngày một rộng mở.

An Khuê

Top