Hương vị Tết trong chiếc bánh chưng xanh

17/02/2018 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Nếu du khách một lần đặt chân đến làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) và thưởng thức hương vị chiếc bánh chưng truyền thống, có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được đặc sản của vùng quê này. Vào dịp cuối năm, nhiều người còn tìm đến tận làng để đặt bánh chưng trước cả tháng, với mong muốn sẽ có được chiếc bánh chưng ngon truyền thống thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày đầu năm mới bình an.

Người làng Lỗ Khê gửi tất cả tình yêu, sự trân quý trong những chiếc bánh chưng xanh truyền thống. Ảnh: Minh Nhung

Những ngày giáp Tết, người dân ở làng bánh chưng Lỗ Khê càng thêm nhộn nhịp thêm bởi những chuyến xe tấp nập, hối hả chở bánh đi khắp mọi nơi. Những ngày này, người dân làng dường như thức trắng cả đêm, cho đến khi những mẻ bánh cuối cùng được vớt ra và chuyển đi, họ mới kết thúc công việc và lo sắm sửa Tết cho gia đình.

Được cán bộ văn hóa xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông bà Mạc Đình Tiền, Phạm Thị Lành, một trong gia đình có truyền thống nhiều đời gói bánh chưng thơm ngon nức tiếng cả vùng đất Đông Anh.

Tiếp đón chúng tôi thật nồng nhiệt, thân tình mặc dù luôn chân luôn tay vớt gạo, lá, đỗ, thịt nhưng khi biết chúng tôi đang muốn tìm hiểu về bánh chưng truyền thống của làng, ông bà phấn khởi lắm. Mời chúng tôi chén trà nóng ấm, ông Tiền chậm rãi chia sẻ, gia đình ông có nghề làm bánh chưng từ thời Pháp thuộc. Hai vợ chồng ông đã được nối nghiệp của các cụ từ mấy chục năm nay. Gia đình ông làm bánh lâu đời và nhiều nhất tại địa phương.

Theo ông Tiền, từ thời các cụ đã gói bánh vuông nhiều, thời chiến tranh chống Mỹ lính trong miền Nam ra mang theo chiếc bánh dài (bánh tét) nên sau này, gia đình và người làng gói thêm kiểu bánh này. Khi gói xong mình day bánh đều tay để bánh luôn dền và dẻo, như thế bánh sẽ ngon hơn. Thông thường, bánh sẽ để được đến mùng 10 tháng giêng, nhiều nhà cẩn thận treo bánh lên cao thành từng cặp thì còn để được đến hôm rằm tháng giêng.

Quay ngược lại kí ức của một thời xưa cũ, ông Tiền kể rằng, “có quãng thời gian Pháp đánh vào làng dân làng chạy đi hết, bánh chưng đành vứt xuống ao nhưng 10 ngày sau vớt lên bánh vẫn không bị hỏng. Ngày xưa nhân bánh các cụ gói phải 3 lạng thịt và nhân gói bằng đỗ chín, miếng thịt đặt ở giữa.  Xưa các cụ đã quan niệm rằng Tết mà không được ăn bánh chưng với cá kho thì không phải Tết đâu. Mắt các cụ xưa tinh lắm, biết căn chỉnh thế nào là đủ lượng gạo, thịt để gói bánh nên bánh lúc nào cũng đầy đặn, to dày, nặng hơn 1 kg, bánh lúc đầu ép nhẹ sau cứ dần nặng thêm và gói rất khéo, bánh luộc phải mất 12 tiếng mới đủ thời gian và cho ra chiếc bánh thơm dẻo”.

Để làm được chiếc bánh chưng ngon, nguyên liệu chuẩn bị thì gạo làm bánh phải được lấy từ chính nếp cái hoa vàng ở quê trồng. Thịt lấy từ sáng sớm để bảo đảm độ tươi ngon, nhưng ăn loại thịt nào là do khách yêu cầu, có khách thích ăn thịt ba chỉ, có khách thích ăn thịt mỡ nên cũng tùy khẩu vị của mỗi người. Đỗ xanh làm nhân ngày xưa thì dùng đỗ còn vỏ sau đó đãi cho sạch sẽ nhưng những năm gần đây do ở hầu hết các vùng quê người dân trồng đỗ ít đi nên đỗ xanh được nhập từ nước ngoài, tróc hết vỏ. Trước khi gói bánh, cần ngâm gạo khoảng 30 phút đến 1 tiếng, đỗ xanh ngâm khoảng 2 -3 tiếng. Thịt được ướp muối, hạt tiêu, cứ một yến gạo thì ướp khoảng 2 lạng muối. Tính ra 1kg thịt gói được trên dưới hai chục cái bánh dài, còn bánh vuông thì cho từ 2 - 2,5 lạng thịt một cái bánh. Lá dong rửa sạch, cắt cuống và để dựng lên cho ráo nước, gói bánh không bị dính, bánh để được lâu không mốc, hỏng. Bánh sau khi chín rồi có khi nặng lên 1,5 kg. Bánh vuông sau khi luộc sẽ nở hơn bánh tét. Bánh vuông sau khi ép phải vỗ để cho bánh dền, bánh dài thì lăn tròn để đảm bảo độ ngon.

Bánh của gia đình ông bà Tiền không chỉ được người dân Hà Nội biết đến mà cả các địa phương khác đặc biệt yêu thích. Không chỉ tiêu thụ trong nước, những người con xa quê vẫn thường mang bánh chưng của gia đình ông bà đi sang cả nước ngoài để làm quà biếu và phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.

Tiếp lời ông, bà Lành bảo “Xưa các cụ chỉ gói bánh chưng vào dịp Tết thôi nhưng dạo gần đây do nhu cầu tiêu thụ nhiều nên gia đình làm quanh năm. Trung bình một ngày gia đình làm khoảng 50 - 60 cái. gia đình nào có công việc, họ đặt gói vài trăm chiếc bánh. Còn trong dịp Tết, lượng tiêu thụ nhiều từ 20 đến 30 Tết khoảng một vạn bánh, tính ra thu nhập khoảng 6 -7 triệu/tháng”.

Chia sẻ với chúng tôi về nghề gói bánh chưng truyền thống ở Lỗ Khê, ông Hoàng Đức Minh, trưởng thôn Lỗ Khê cho biết, ở làng cũng biết gói bánh chưng, nhưng làm chuyên nghiệp nhất và nhiều nhất là nhà ông Tiền bà Lành. Bánh chưng Lỗ Khê có vị ngọt thơm của gạo nếp cái hoa vàng, bánh rền và xanh bởi lá dong và sự đậm đà của nguồn nước giếng khơi ở đây mà không nơi nào có được. “Cùng công thức gói như nhau, cùng người làng Lỗ Khê gói bánh, nhưng khi gói và nấu bánh chưng tại làng khác cách Lỗ Khê khoảng 5-7 trăm mét là vị bánh chưng khác ngay. Vì thế, nhiều người đi lấy chồng hoặc chuyển sang khu vực cách thôn Lỗ Khê không xa, nhưng mỗi dịp Tết, lễ họ vẫn thường về làng để gói và nấu bánh chưng. Mọi người vẫn bảo, để có vị khác lạ như vậy có lẽ là do nguồn nước ở làng này”, ông Minh tự hào nói.

Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường,ở Lỗ Khê, không còn nhiều người bám trụ với nghề làm bánh chưng truyền thống nữa. Tất cả những người còn gắn bó với nghề gói bánh chưng cho đến bây giờ, đều vì lòng nhiệt huyết giữ nghề, trân quý những giá trị cổ truyền của dân tộc.

Đi giữa làng quê yên bình, hít hà mùi thơm đặc trưng của lá dong, gạo nếp, thịt lợn ướp hạt tiêu, mùi củi đun nồng nồng ngai ngái, khói bếp tản mản như sương sớm trong tiết trời xuân….. tất cả hình ảnh ấy dường như quá đỗi thân thuộc, khiến chúng tôi xúc động nhớ về những cái Tết cổ truyền, về nồi bánh chưng của bà, của mẹ ấm lòng tuổi thơ con.

Bên ngoài xanh lá dong xanh

Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ

Trong ký ức tươi đẹp của mỗi người con đất Việt ngày Tết Nguyên đán là thời gian mọi người, mọi nhà được sum họp, hạnh phúc bên nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn của năm cũ và cùng chào đón, cầu bình an cho một năm mới.

Nhưng chắc hẳn, hình ảnh nồi bánh chưng xanh dưới bếp lửa hồng có lẽ luôn luôn là khoảnh khắc thiêng liêng, là giá trị, là bản sắc mà mọi thế hệ cháu con cần phải giữ gìn, trân trọng. Vì đó là dư vị của trời đất, của lịch sử ngàn năm văn hiến và là quốc hồn, quốc túy của dân tộc ta.

Minh Nhung

Top