Kết nối các tuyến xe buýt liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

13/04/2021 6:32 PM

(Chinhphu.vn) – UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt phương án kết nối các tuyến buýt tại các ga đầu cuối và các tuyến ngang cắt qua lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tuấn Lương

Theo Phương án vừa được phê duyệt, ga cuối Cát Linh sẽ được kết nối với 8 tuyến buýt gồm: 18, 23, 25, 38, 50, 90, 99 và BRT01. Ngoài ra, có 2 tuyến buýt sẽ đổi lộ trình để kết nối với ga Cát Linh.

Cụ thể, kết nối với ga Cát Linh trên đường Giảng Võ có 5 tuyến (tuyến số 38, 18, 23, BRT01, 90), kết nối với ga Cát Linh trên đường Hào Nam có 4 tuyến (tuyến số 25, 50, 90, 99), riêng đối với tuyến buýt số 38 chỉ kết nối với ga Cát Linh theo một chiều (từ Giảng Võ đi Núi Trúc).

Tại ga Yên Nghĩa sẽ duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt gồm: 01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, 123, 124, CNG02, CNG07, BRT01, 75 và 213, 214.

Trong đó, 18 tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa và 2 tuyến số 37, 57 là các tuyến buýt thông qua. Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối với khu vực ngoại thành.

Cùng với việc bổ sung xe buýt ở các ga, dọc lộ trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ bổ sung 17 điểm, đồng thời di chuyển 9 điểm dừng xe buýt.

Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó, 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 nhà ga đường sắt đô thị 2A.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào cuối tháng 4 tới, có tổng chiều dài 13,1km với 12 nhà ga. Tại các nhà ga đều được bố trí các thiết bị thang máy phục vụ người khuyết tật, thang cuốn, thang bộ.

Nhằm xây dựng phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A, Cát Linh - Hà Đông,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội chủ trì triển khai phương án, chủ động điều hành, điều chỉnh phương án linh hoạt, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT thuận lợi nhất cho người dân.

Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng các kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cụ thể sẽ thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân khoảng 400m. Đồng thời, sẽ chạy miễn phí 15 ngày và sẽ khai thác các tuyến buýt như phương án đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại, đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách không bị xáo trộn. Theo Sở GTVT Hà Nội, sau thời gian miễn phí sẽ hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu, đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, chung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến 2A đảm bảo theo lộ trình các tuyến ít bị ảnh hưởng sẽ bị điều chỉnh trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, năng lực vận chuyển hành khách đạt từ 429.000 - 472.000 lượt hành khách/ngày. Qua đó, tuyến vận tải công cộng từ Bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở sẽ tăng 3 - 4 lần, đáp ứng được 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Tuy vẫn còn nhiều bất cập cần được xử lý, như việc xây dựng các điểm trông giữ ôtô, xe máy, nhưng việc kết nối sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng hình thức xe buýt kết nối với tuyến 2A, được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Minh Anh

Top