Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội

07/10/2016 4:42 PM

(Chinhphu.vn) – Ngày 7/10, UBND TP. Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La tại Hà Nội. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì hội nghị.

Ký kết tiêu thụ nông sản Sơn La tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Thời gian qua, TP. Hà Nội và tỉnh Sơn La đã có sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, đạt được kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, sản xuất và tiêu thụ rau, quả, chè an toàn,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Sơn La có 2 cao nguyên lớn là Mộc Châu và Na Sản thích hợp trồng các loại rau, củ, quả đặc sản chất lượng cao cùng các hồ thủy điện, hồ chứa nước thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Hiện tỉnh Sơn La có tới gần 6.000 ha rau với sản lượng đạt trên 77.000 tấn/năm, trên 133 ha hoa chất lượng cao, 19.593 ha cây ăn quả như mận, hồng giòn, na, cam, quýt; trên 4000 ha chè, gần 12.000 ha cà phê,,. đàn bò sữa 17.500 con…

Đến nay các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước được chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nông sản đặc sản rau, củ quả, chè, cà phê, sữa và các sản phẩm chăn nuôi như ong, cá hồi, cá tầm, trâu, bò, dê… của Sơn La đã được đông đảo người tiêu dùng Hà Nội đón nhận.

Các doanh nghiệp của Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có lợi thế của Sơn La. Trong đó, các thành viên thuộc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) hỗ trợ tiêu thụ quả sơn trà (táo mèo) làm nguyên liệu sản xuất rượu vào dịp cuối năm với giá trị giao dịch khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm; thu mua chè xanh, chè đen của HTX nông nghiệp Hà Anh với giá trị giao dịch khoảng 1 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) đã kết nối, khai thác các sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn Tự Nhiên-Mộc Châu, Công ty cổ phần Green Farm với sản lượng trung bình đạt trên 50 tấn/tháng... Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của nông sản Sơn La là việc chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác còn thô sơ và chưa được chú trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn lớn, đặc biệt là các loại đặc sản an toàn đặc trưng vùng miền giá trị cao như lợn rừng, dê núi, rau, củ quả... Đây là cơ hội để các loại nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La cung ứng về Hà Nội.

Để thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, thời gian tới hai đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các mặt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ chế biến nông sản; phối hợp cung cấp thông tin, định hướng cung cầu, quảng bá giới thiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Sơn La trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, giao Sở Công Thương và Sở NN&PTNT là đầu mối thường xuyên liên hệ phối hợp tỉnh Sơn La kết nối tiêu thụ, xúc tiến quảng bá, liên kết hỗ trợ với nông hộ, HTX, doanh nghiệp, hỗ trợ tỉnh Sơn La tổ chức kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn với các chuỗi siêu thị, Ban quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tỉnh Sơn La hướng dẫn nông hộ, HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo nông sản an toàn, đạt các tiêu chuẩn Viet Gap, Golbal Gap… khi đưa về Thủ đô tiêu thụ.

Thùy Linh

Top