Khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống

20/03/2016 8:02 AM

(Chinhphu.vn) - Nghệ thuật múa rối nước dân gian đã gắn bó cùng đời sống của người dân Hà Nội hàng trăm năm nay nhưng các nghệ nhân múa rối nước chưa từng có cơ hội cùng "tranh tài" trên một sân khấu lớn.

Các nghệ nhân làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) trong một buổi diễn.

Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước Hà Nội lần thứ nhất (Liên hoan) do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức diễn ra ngày 18-3 tại thủy đình làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh đã tạo điều kiện cho các phường rối có "đất diễn", góp phần khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong các tầng lớp nhân dân.

Biết tin có Liên hoan, gần 100 nghệ nhân của 4 phường rối tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội là Chàng Sơn và Thạch Xá (huyện Thạch Thất), Đào Thục (huyện Đông Anh), Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) đã say sưa luyện tập để có thể mang đến Liên hoan những tiết mục hay nhất, hấp dẫn nhất. 

Từ 8h đến 16h ngày 18-3, hàng trăm người dân thôn Đào Thục và du khách đã đứng kín khu vực thủy đình xem các nghệ nhân biểu diễn rối nước. Các cụ cao niên vừa chăm chú theo dõi từng tiết mục, vừa hồi tưởng về thời "vàng son" của loại hình nghệ thuật này. Những đứa trẻ được bố mẹ bế tay có mặt tại thủy đình cũng vô cùng thích thú khi thấy những con rối nhỏ như búp bê nhảy múa dưới nước. 

Dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân phường rối, những con rối vô tri trở thành những nhân vật có tính cách, tâm hồn, chuyển tải những câu chuyện đời thường xưa nay. Ấy là những người nông dân Đồng bằng Bắc Bộ xưa kia một nắng hai sương, tay cấy tay cày vẫn luôn lạc quan sống với những ước mơ bình dị, tất cả được gửi gắm qua các tích trò "Cày bừa, cấy lúa", "Cá vật đẻ", "Cốc mò cá", "Đánh cá"... Ấy là không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội làng ngày xuân được lồng ghép khéo léo, tinh tế qua tích trò "Múa lân", "Múa rồng", "Đấu vật", "Rước tượng lên kiệu"… Để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng công chúng là tiết mục "Leo cây đốt pháo" của phường rối Thạch Xá; "Tuồng Sơn Hậu" của phường rối Tế Tiêu hay "Hai Bà Trưng dẫn quân" của phường rối Chàng Sơn; "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống ngựa" của phường rối Đào Thục.

Quan sát các phường rối biểu diễn, ông Đinh Thế Văn, người gắn bó với rối nước Đào Thục gần 30 năm nhận xét: Nghệ thuật múa rối nước hình thành qua quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ Sông Hồng nên các phường rối dân gian vùng ngoại thành Hà Nội vừa có sự tương đồng, vừa có điểm khác biệt. Tương đồng về nội dung các tích trò, khác biệt về hình thức biểu diễn. Nếu như hai phường rối đến từ huyện Thạch Thất biểu diễn rối dây thì phường rối Đào Thục và Tế Tiêu lại có thế mạnh về rối sào. Chính sự tương đồng và khác biệt đó đã tạo nên sức hấp dẫn của Liên hoan. 

Còn NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, Trưởng ban Giám khảo Liên hoan cho biết: "Dù gắn bó với nghệ thuật múa rối nước nhiều năm, nhưng vẫn bất ngờ trước sự say mê và sáng tạo của nghệ nhân các phường rối truyền thống. Có những tích trò rất khó như: "Quân xanh, quân đỏ", "Leo cây đốt pháo", "Hà Nội 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không", được các nghệ nhân biểu diễn nhuần nhuyễn. Đáng ghi nhận hơn, các phường rối có lượng người tham gia khá đông với tinh thần tự nguyện, tự giác. Nhìn vào lực lượng hùng hậu ấy, tôi tin loại hình nghệ thuật này sẽ hồi sinh, phát triển".

(Theo HNM)

Top