Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng

19/02/2018 6:30 PM

(Chinhphu.vn) - Sau một thời gian thất truyền, nhờ những nỗ lực để khôi phục, trong hai năm gần đây tranh Kim Hoàng đã và đang được Ban quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu lại với người dân về một trong những dòng tranh dân gian của Hà Nội xưa trong chương trình Tết Việt đón Xuân Mậu Tuất tổ chức tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc.

Một mẫu tranh Kim Hoàng và bản khắc bản khắc để in trên nền giấy đỏ. Ảnh: Hòa An

Tranh dân gian như Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng... vốn gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam để phục vụ việc thờ cúng hoặc trang trí ngày lễ Tết. Trong đó, dòng tranh dân gian Kim Hoàng cũng là dòng tranh nổi tiếng của Hà Nội hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ sau trận lũ lịch sử tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (năm 1915) dòng tranh mai một và thất truyền dần cho đến ngày nay đang được hồi sinh trở lại dưới những kỳ vọng và nỗ lực của những người sưu tập tranh để đưa tranh Kim Hoàng trở lại thị trường. 

Người nỗ lực đưa tranh dân gian Kim Hoàng trở lại là nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội). Chị đã tìm cách khôi phục và thu được những thành công bước đầu, dần đưa tranh Kim Hoàng trở lại với công chúng, giúp dòng tranh này hồi sinh.

Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh như tranh thờ cúng, tranh chúc tụng  nhưng tranh Kim Hoàng biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh dân gian nêu trên. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Trên đó in, vẽ các chủ đề khác nhau, chủ yếu là tranh thờ, tranh Tết, vì thế người ta còn gọi tranh Kim Hoàng là tranh Đỏ.

Nghệ nhân Đào Đình Trung giới thiệu mẫu tranh "khuyển nghê" năm 2018. Ảnh: Hòa An

Nghệ nhân Đào Đình Trung, một trong những nghệ nhân của dòng tranh Kim Hoàng cho biết, ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc, tùy vào thẩm mỹ, vào con mắt của mỗi nghệ nhân. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Đến nay, dự án khôi phục tranh Kim Hoàng đang được thực hiện gồm ba phần chính: Khôi phục lại khoảng 50 mẫu tranh cũ (tư liệu lấy trong quyển Imagerie populaire Vietnamienne - par Maurice Dururrand, 2011 mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đấu giá thành công từ Pháp mang về). Trong đó, 50 mẫu cũ của tranh Kim Hoàng còn tồn tại phần lớn là tranh sinh hoạt của con người, các tích truyện, chỉ có 4 mẫu là gà và lợn, được in trên nền cam đỏ đặc trưng, nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc.

Dự án cũng lựa chọn những đề tài dân tộc và bước đầu nhờ được 2 họa sĩ khắc gỗ thiết kế mẫu tranh dân gian mới và đang trong quá trình thiết kế, thử nghiệm sản phẩm. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, một trong những người tâm huyết với dòng tranh cũng thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng trên hình ảnh được chạm khắc trên đình làng Kim Hoàng; họa sĩ Trần Nguyên Đán thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng đề tài Thuyền-Hà Nội-Hội An.

Vào dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, tranh Kim Hoàng lần đầu tiên trở lại thị trường, được trưng bày, giới thiệu trong chương trình Tết Việt tại Đình Kim Ngân, có gian hàng tại Hội chữ xuân Đinh Dậu tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đây là động lực để Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng đi tiếp trên con đường hồi sinh dòng tranh dân gian này. Dự án đã đào tạo được nghệ nhân, tổ chức được một cơ sở sản xuất tại chính xã Vân Canh để làm tranh phục vụ thị trường.

Đến mùa Xuân Mậu Tuất năm nay, dự án khôi phục tranh Kim Hoàng tiếp tục mở gian hàng tranh tại Hội chữ xuân Mậu Tuất tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và được triển lãm, trưng bày tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Theo nghệ nhân trẻ Đỗ Đình Trung, cùng với những mẫu tranh truyền thống, năm nay dự án giới thiệu mẫu tranh "khuyển nghê". Là dòng tranh dân gian, nên việc tìm mẫu mới cho tranh Kim Hoàng trước tiên phải thỏa mãn điều kiện là nối tiếp được mạch văn hóa truyền thống. Khuyển nghê là loại nghê được người xưa tạo ra trên cơ sở hình tượng hóa con chó, phù hợp với năm Mậu Tuất 2018.

Một trong những cách khôi phục, đưa tranh Kim Hoàng vào thị trường là việc dự án đưa những mẫu tranh theo 12 con giáp. Ngoài những mẫu đã có sẵn, dự án sẽ tiếp tục tạo hình mẫu mới trên nền truyền thống. Năm Mậu Tuất 2018, với quan niệm của người Việt “chó đến nhà thì sang”, mẫu khuyển nghê được kỳ vọng sẽ chinh phục những người yêu mến những dòng tranh dân gian xưa.

Hòa An-Đỗ Hương

Top