Khơi thông điểm nghẽn, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt đại dịch

05/08/2021 6:00 PM

(Chinhphu.vn) – Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế này đặt ra những chính sách nhằm khơi thông điểm nghẽn, tiếp sức cho doanh nghiệp Thủ đô vượt đại dịch.

Ảnh minh họa

Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh  nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) nhận định, doanh nghiệp chưa kịp hồi phục sau 3 đợt dịch COVID-19 trước đó, cơn sóng dịch COVID-19 lần 4 với quy mô rộng hơn được đánh giá sẽ tác động lên cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, Công ty TNHH Vinatrips (quận Cầu Giấy) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Ông Dương Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Vinatrips cho biết, mặc dù công ty được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp…, nhưng với mức doanh thu không đáng kể như hiện nay, Vinatrips đang đứng trước hoàn cảnh rất ngặt nghèo.

Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn. Là doanh nghiệp sản xuất lụa có tiếng tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), bà Nghiêm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương chia sẻ, doanh thu của công ty giảm 90% do sản phẩm không tiêu thụ được. Khó khăn chồng chất buộc công ty từ tháng 5 vừa qua phải cắt giảm nhân công, từ 30 lao động xuống còn hơn 10 lao động.

Có thể thấy, đây không chỉ là khó khăn riêng của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương mà còn của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, lúc này doanh nghiệp rất trông đợi vào chính sách hỗ trợ, đồng hành của cơ quan chức năng. Nếu sự hỗ trợ chậm trễ, thiếu linh hoạt và thiếu chính xác đối với từng đối tượng doanh nghiệp thì sẽ khó mang lại hiệu quả.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp …

Về phía Hà Nội, trong năm 2020, Thành phố đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Năm 2021, Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng cường tổ chức chương trình xúc tiến thị trường; kết nối 20 doanh nghiệp tìm hiểu ngành nghề của nhau để liên kết hợp tác; tổ chức hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp kịp thời xoay chuyển phương thức kinh doanh theo xu thế mới...

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực Công Thương khẩn trương kê khai phiếu khảo sát thông tin về cộng đồng doanh nghiệp trong từng ngành hàng, với các thông tin về tình hình hiện tại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, những khó khăn về tiếp cận vốn, thuê mặt bằng… Từ kết quả khảo sát này, Sở sẽ tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, trên cơ sở vừa căn cứ vào Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Trung ương, vừa bảo đảm phù hợp với thực tế của Thành phố.

Mới đây, để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 23/7/2021, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 2352/UBND-KT về việc đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn. Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tập trung đẩy mạnh phổ biến rộng rãi chính sách “Hỗ trợ kinh phí chứng thực một chữ ký số và kinh phí cài đặt phần mềm, kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới” tới tất cả người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Cùng với đó, vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh thực hiện đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đến tất cả các DN thành lập mới trên địa bàn thành phố; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân không gây khó khăn, cản trở, ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới của Thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị đã trúng thầu triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới theo đúng các quy định của pháp luật.

Bích Phương

Top