Kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

29/01/2020 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/1 (tức mùng 5 Tết Canh Tý), Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2020) đã được quận Đống Đa long trọng tổ chức tại di tích Quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Các đồng chí lãnh đạo TP. Hà Nội và UBND quận Đống Đa cùng đông đảo quần chúng nhân dân tham dự Lễ hội. Ảnh: Gia Huy

Lễ hội kỷ niệm có sự tham dự của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng sự tham dự của đông đảo người dân Thủ đô và du khách.

Trước giờ khai mạc đã diễn ra lễ tế Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân cũng được chính quyền và nhân dân quận Đống Đa tổ chức trọng thể, với sự tham gia của đông đảo công chúng và du khách.

Phát biểu tại Lễ hội kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong khẳng định Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ghi dấu nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung, ý chí ngoan cường của nghĩa quân áo vải, cờ đào đồng thời biểu thị cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, yêu tự do, độc lập từ ngàn đời của người dân đất Việt. Bằng thắng lợi này, nhân dân ta đã đập tan mộng xâm lược của ngoại bang, giữ vững nền độc lập chủ quyền của dân tộc.

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân. Ảnh: Gia Huy

Các đại biểu và quần chúng nhân dân cùng ôn lại chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu cách đây 231 năm, bắt đầu từ sự kiện Triều đình Mãn Thanh lợi dụng việc Lê Chiêu Thống cầu binh, đã huy động lực lượng tiến đánh nước ta vào cuối năm 1788. Vào năm này, lợi dụng cơ hội Lê Chiêu Thống cầu viện phát binh đánh nhà Tây Sơn, triều đình Mãn Thanh đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, tiến đánh nước ta với mục đích xâm chiếm Đại Việt.

Trước tình hình cấp bách, thù trong, giặc ngoài, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, khi đó đang ở Phú Xuân, Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế ngày nay) đã tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc. Trong ngày 30 tháng Chạp, người khao quân ăn Tết sớm và hẹn sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu.

Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo, vượt sông Gián Thủy, mở cuộc đại phá quân Thanh, với quyết tâm “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Đêm mùng 3 Tết (ngày 28-1-1789), các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi... đã lần lượt bị hạ. Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789), đạo quân dồn tổng lực tấn công đồn Ngọc Hồi, đồn Khương Thượng, khiến tướng nhà Thanh trở tay không kịp, phải thắt cổ tự vẫn. Tiếp đà chiến thắng, quân Tây Sơn tiến đánh đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng giải phóng Kinh thành Thăng Long. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỉ của nhân dân Thăng Long.

Sau trận chiến, xác giặc được thu nhặt, đắp thành nhiều gò đống. Trải qua bao biến cố lịch sử, đến giờ hầu hết đã bị san phẳng, chỉ còn lại duy nhất gò Đống Đa, nằm trong khuôn viên Công viên văn hóa Đống Đa. Nơi đây trở thành biểu tượng chiến thắng - bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2019. 

Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2020). Ảnh: Gia Huy

Tiếp nối khí thế hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, truyền thống văn hiến ngàn năm của Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa luôn nỗ lực đoàn kết, phấn đấu đưa địa phương ngày một phát triển.

Tại lễ hội, các đại biểu và nhân dân cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật màn sử thi tái hiện chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải cở đào Quang Trung -Nguyễn Huệ dẹp tan quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long cùng các hoạt động văn nghệ truyền thống và trò chơi dân gian.

Gia Huy

Top