Lên kịch bản sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa

19/07/2021 9:05 PM

(Chinhphu.vn) - Để tăng cường bảo đảm công tác phòng chống dịch, Công đoàn Các khu Công nghiệp – Chế xuất Hà Nội chủ động phối hợp với chủ đầu tư, người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp căn cứ Phương án 162/PA-UBND để xây dựng phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy làm nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Trên đây là yêu cầu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đối với LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong công nhân viên chức lao động Thủ đô.

Theo đó, LĐLĐ Thành phố cũng yêu cầu Công đoàn Các khu Công nghiệp – chế xuất Hà Nội chủ động phối hợp với Uỷ bân nhân dân và LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Ban Quản lý Các khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội và các đơn vị liên quan tổng hợp số lượng lao động sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố thường xuyên làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh khác (đặc biệt là tại các địa phương đang ghi nhận nhiều ca lây nhiễm); nắm chắc cư trú, di biến động.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động thuộc diện cách ly tập trung tại doanh nghiệp do có ca mắc mới trong thời gian qua. Tham gia giám sát quản lý các hoạt động đưa đón, di chuyển hằng ngày của công nhân, người lao động đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, không để phát sinh các ca nhiễm.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong tổ chức Công đoàn Thủ đô và lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn và công nhân viên chức lao động Thủ đô hãy là một chiến sĩ, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại.

Riêng đối với công nhân, người lao động lưu trú trên địa bàn Thành phố và người lao động từ các tỉnh, thành phố khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố và vùng lân cận phải đăng ký với chính quyền địa phương (nơi có công nhân, người lao động, chuyên gia cư trú; nơi có trụ sở các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan…) đăng ký xe đưa đón hằng ngày, cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú, trong quá trình di chuyển và nơi làm việc.

LĐLĐ Thành phố yêu cầu các LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi tập trung đông công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp trong việc xây dựng các phương án cụ thể; thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, người lao động trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa.

Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ Thành phố tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghiệp – Chế xuất Hà Nội, Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong thời gian nghỉ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp dừng hoạt động do dịch bệnh; tham gia phối hợp trong công tác xác minh thông tin của người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phục vụ cho công tác điều tra dịch tễ (thực hiện theo Phương án số 162/PA-UBND ngày 12.7.2021 của Uỷ ban nhân dân Thành phố).

Thiện Tâm

Top