Liên kết để phát triển bền vững

10/12/2020 10:50 AM

(Chinhphu.vn) - Với vai trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như liên kết vùng, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành trong cả nước.

Hoạt động giao thương, kích cầu thị trường được TP. Hà Nội đẩy mạnh. Ảnh minh họa

Thông qua việc kết nối đã giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là tạo động lực để phát triển bền vững nền kinh tế Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết, thị trường nội địa luôn có vai trò quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động giao thương, kích cầu thị trường càng được đẩy mạnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, TP. Hà Nội đã triển khai trên 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; đã có hơn 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ; 786 chuỗi cung ứng nông sản của các tỉnh, thành phố cho thị trường Hà Nội được phát triển… Thông qua hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp các địa phương đã tiêu thụ hơn 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản dư cung do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội thường xuyên cung cấp danh sách nhà sản xuất ở các tỉnh cho hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố để các bên trực tiếp kết nối cung ứng sản phẩm, đặc biệt là trái cây, nông sản. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn TP. Hà Nội; tại các sự kiện do Thành phố tổ chức như: Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam, Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ; Hội chợ hàng Việt Nam…

Thông qua hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp, hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; ngược lại đơn vị phân phối có thêm lựa chọn nguồn hàng ổn định… Song hơn cả, hoạt động kết nối giao thương còn góp phần kích cầu thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 11/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 348,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thương

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, thông qua các hoạt động kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hộ nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, bảo đảm cân đối tiêu thụ, giảm tình trạng dư/thiếu cung-cầu hiệu quả.

Cùng đó, hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa.

Đồng thời, các hoạt động này cũng góp phần hướng dẫn các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Từ đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng; nâng cao mức sống của dân cư tại các vùng, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Tiếp nối những kết quả đạt được cùng với tinh thần “Hà nội với cả nước, cùng cả nước”, nhằm phát huy thế mạnh, quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực thực hiện tốt các nội dung, kế hoạch đề ra. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… tổ chức các Tuần hàng trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia kết nối sản phẩm các đơn vị sản xuất tham gia, khảo sát vùng sản xuất, hướng dẫn các quy định để sản phẩm đưa vào kênh phân phối tại thị trường Hà Nội…

“Với sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực không ngừng của các Sở, ban, ngành toàn Thành phố trong việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp; tin tưởng rằng hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong lĩnh vực công thương năm 2020 sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần bình ổn thị trường, cân đối cung cầu trên địa bàn TP. Hà Nội và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố; qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Bích Phương

Top