'Linh động các phương án phòng, chống dịch khi tổ chức lễ hội'

21/01/2021 7:05 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 21/01, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, năm 2020, công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội đã được Sở VHTT chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai chủ động ngay từ những tháng cuối năm 2019. Nhưng do ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19, Sở VHTT đã yêu cầu các địa phương dừng toàn bộ các lễ hội, các hoạt động văn hoá thể thao tập trung đông người để thực hiện phòng, chống dịch. Tính đến ngày 31/1/2020, thời điểm trước khi có yêu cầu dừng tổ chức lễ hội, trên địa bàn Thành phố có 139 lễ hội đã được tổ chức; sau ngày 31/1 đến nay, toàn Thành phố có trên 900 lễ hội không tổ chức theo yêu cầu của Chính phủ và UBND Thành phố.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân trong mùa lễ hội xuân 2021, cuối năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021 nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Thủ tưởng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021.

Đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã tại cuộc họp cũng đã báo cáo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Tính đến nay, 100% quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội năm 2021 cũng như có phương án cụ thể. Trong đó nhấn mạnh, lễ hội cần được tổ chức gắn với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tuy sẽ giảm quy mô,  thời gian tổ chức nhưng giữ được nét văn hóa truyền thống của các lễ hội. Trong đó, thành lập các Ban Chỉ đạo lễ hội; triển khai đầy đủ kế hoạch bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi ra vào lễ hội; đã xây dựng kịch bản cho các tình huống xảy ra. Song song lên các phương án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, phân luồng giao thông; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội; kiểm tra, giám sát và sẽ xử lý các trường vi phạm về tổ chức lễ hội.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền sâu đậm nét về công tác tổ chức lễ hội. Các địa phương bố trí hệ thống loa phóng thanh để hướng dẫn người tham gia lễ hội thực hiện tốt phòng, chống dịch. Đồng thời đề nghị các phương tiện truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, có hướng dẫn cụ thể về bảo đảm phòng, chống dịch; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… tại các điểm tham quan, di tích lớn.

Thay đổi phương án khi có dịch xảy ra

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Thiện Tâm.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá cao nội dung, kế hoạch chi tiết về quản lý và tổ chức lễ hội của ngành VHTT. Đồng thời đề nghị Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xây dựng phương án kiểm tra liên ngành; thống nhất nội dung, chương trình kiểm tra với các địa phương tránh chồng chéo; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng nhất là tại các di tích, danh lam thắng cảnh, khu vực diễn ra lễ hội; phân công lực lượng hướng dẫn du khách, người dân đến hành lễ; tăng cường công tác kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ… sẵn sàng các biện pháp xử lý sự cố.

Sở VHTT thành lập, công  khai đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân liên quan đến các sự cố, sự việc bất thường tại các lễ hội. Phối hợp với Sở Y tế bám sát thông tin dịch COVID-19 trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội để kịp thời tham mưu Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về công tác quản lý lễ hội. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, do hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt. Các hoạt động lễ hội năm 2021 đã được xây dựng kế hoạch triển khai. Nhưng khi có dịch bệnh trong cộng đồng, phương án sẽ thay đổi và Thành phố sẽ có chỉ đạo trực tiếp, tùy theo cấp độ để các địa phương thực hiện.

Phó Chủ tịch Thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các địa phương lên phương án chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo các cấp xã, phường có kế hoạch về việc tổ chức lễ hội. Đồng thời, gắn với các biện pháp phòng, chống dịch và chỉ được tổ chức khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19; quản lý tốt các điểm vui chơi tại lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, cờ bạc... Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân tham gia đón lễ hội an toàn, đeo khẩu trang y tế; các điểm, khu lễ hội phải phân luồng giao thông, có biển hiệu, hướng dẫn; thường xuyên khử khuẩn tại các cơ sở kinh doanh trong lễ hội; chủ động thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo an toàn.

Về vấn đề tuyên truyền cổ động chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên Đán Tân Sửu, theo Phó Chủ tịch Thành phố Chử Xuân Dũng, hiện nay tại các khu Trung tâm của Thành phố đã treo pano, biểu ngữ... được trang hoàng  rực rỡ. Tuy nhiên một số khu dân cư, người dân vẫn chưa treo cờ  thực hiện theo vận động của chính quyền địa phương. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền đến 100% người dân, nhất là khu chung cư, các đường làng ngõ xóm…

Ngoài ra, cần rà soát nhắc nhở các cơ quan, đơn vị nên treo cờ hoặc thay cờ mới. "Việc trang hoàng trang trí tại các khu, điểm, các tuyến đường cần thể hiện được không khí vui tươi, tưng bừng nhất. Đặc biệt, tại các cửa ngõ Thủ đô cần có chỉnh trang đô thị, cây xanh hai bên đường tạo cảnh quan sạch, đẹp...", Phó Chủ tịch Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh thêm.

Thiện Tâm

Top