Một số khu vực không được phép chăn nuôi

07/07/2020 1:18 PM

(Chinhphu.vn)- 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ nuôi động vật cảnh, phục vụ thí nghiệm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT đọc tờ trình. Ảnh: Thiện Tâm

Sáng 7/7, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ di dời những cơ sở này.

Theo đó, những khu vực sau bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm: các phường thuộc 12 quận; bốn phường thuộc thị xã Sơn Tây, gồm Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi.

Các thị trấn của năm huyện cũng bị cấm, gồm: thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Đông Anh (huyện Đông Anh), Trâu Quỳ và Yên Viên (huyện Gia Lâm), Văn Điển (huyện Thanh Trì). Khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên huyện, thị xã cũng bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thời hạn di dời hoặc chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi là từ khi nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề cho chủ cơ sở.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mục đích của việc xây dựng quy định trên là khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp. Việc không cho phép chăn nuôi ở đô thị cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các cơ sở chăn nuôi được chuyển đến những khu vực quy hoạch để có thể phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Trên 3.300 hộ cần di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Tính đến tháng 5/2020, thành phố có khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo Tờ trình, thì có 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động, trong đó 1.033 nông hộ/2.066 lao động, 54 trang trại /540 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Nghị quyết quy định, sẽ hỗ trợ  đối với lao động chăn nuôi khi chuyển đổi. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề mức tố đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày; mức hỗ trợ đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên…

Các cơ sở chăn nuôi di dời được hưởng ưu đãi theo chính sách của thành phố hiện hành.

Đóng góp ý vào Nghị quyết, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Nguyễn Lan Hương cho hay đã tổ chức hội nghị phản biện quy định trên do ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người dân. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho chủ cơ sở chăn nuôi vì đa số đã lớn tuổi, việc chuyển nghề khó khả thi.

Thiện Tâm

Top