Nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

23/04/2021 4:07 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 23/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thiện Tâm.

Hội thảo được mở ra nhằm đánh giá thực trạng về chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố. Từ đó đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, dự báo phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVI về: “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đối với hoạt động công đoàn cơ sở trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa của tổ chức Công đoàn Thủ đô hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động 1/5.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh: Việc xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh là vấn đề mà tất cả các cấp công đoàn đều hết sức quan tâm, coi trọng, bởi công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh, từ đó mới có đủ vị thế để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của mình.

Hiện LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý chỉ đạo 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.899 công đoàn cơ sở và 608.630 đoàn viên. Trong đó, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là 5.480 công đoàn cơ sở; với 413.728 đoàn viên (chiếm 61,5% số công đoàn cơ sở và 67,9% tổng số đoàn viên công đoàn toàn Thành phố).

Thời gian qua, các công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn cũng đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ của mình; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, theo hướng thiết thực; thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Đồng thời thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, từ đó đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình quan hệ lao động và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động.

Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cho công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức công đoàn Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Vì vậy, đòi hỏi cần có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, cùng với sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở để tổ chức công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức đại diện và là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động.

Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Thị Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công đoàn cơ sở mà Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Phi Thường đã chỉ rõ.

Với thực tế quản lý hơn 3.000 doanh nghiệp hội viên, đồng chí Trịnh Thị Ngân đánh giá, vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đặc biệt quan trọng. Với những doanh nghiệp sau khi thoái vốn, chủ doanh nghiệp vẫn quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn, quan tâm đời sống người lao động thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất phát triển, thương hiệu tiếp tục được duy trì, khẳng định. Ngược lại ở những doanh nghiệp hoạt động công đoàn mờ nhạt, không được tạo điều kiện thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó khăn hơn, thương hiệu dần đi xuống.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn như thời điểm dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, công đoàn cơ sở nhiều doanh nghiệp đã đồng hành với chủ doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh chăm lo cho người lao động, đồng chí Trịnh Thị Ngân kiến nghị LĐLĐ Thành phố và các công đoàn cấp trên cơ sở Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Phát biểu tại Hội thảo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ bản hệ thống quy định của pháp luật về công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng đều tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách cho công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng, góp phần cho tổ chức, hoạt động của hệ thống công đoàn phát huy hiệu quả thời gian qua.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn không phải chỉ là bảo vệ quyền lợi của đoàn viên mà là bảo vệ quyền lợi của toàn thể 54 triệu lao động, cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi đã đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, cần thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có trên 2.000 lao động khu vực ngoài nhà nước; nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của công đoàn cơ sở phù hợp với từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp và theo hướng giảm những nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã nêu một số giải pháp để nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở tại khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, cần sớm hoàn thiện pháp luật liên quan về lĩnh vực lao động, công đoàn, phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở thông qua đổi mới toàn diện công tác đào tạo, nhìn nhận toàn diện về vấn đề công đoàn cơ sở; cần có đủ nguồn lực để bảo vệ đội ngũ cán bộ công đoàn khi đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động; công đoàn cơ sở phải thể hiện rõ vai trò, hạn chế hoạt động bề nổi hướng đến chức năng cốt lõi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.

Thiện Tâm

Top