Nâng cao chất lượng công tác xét xử các vụ án tham nhũng

10/06/2016 11:17 AM

(Chinhphu.vn) - Tòa án nhân dân TP Hà Nội luôn xác định việc xét xử tốt các vụ án tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm công tác.

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng và là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”.

Với chức năng là cơ quan tư pháp, thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết các loại vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội luôn xác định việc xét xử tốt các vụ án tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm công tác, do đó đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án tham nhũng, được dư luận đồng tình, ủng hộ, từ đó góp phần hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trong 10 năm qua (2006 – 2015), hai cấp Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 238 vụ/616 bị cáo phạm tội tham nhũng, trong đó Tòa án Thành phố 118 vụ/300 bị cáo; cấp huyện 120 vụ/316 bị cáo. Quá trình giải quyết một số vụ án chưa đủ căn cứ để xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung và đều được Viện kiểm sát chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án. Đến nay, còn 11 vụ/46 bị cáo, Tòa án đã trả hồ sơ. Tòa án đang thụ lý chưa giải quyết 7 vụ/34 bị cáo...

Trong các tội tham nhũng đã được đưa đi xét xử thì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản,...

Theo đánh giá của TAND TP Hà Nội, qua công tác xét xử các vụ án cho thấy, tình hình tội phạm về tham nhũng, vụ án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt,... Tội phạm tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là những lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; tài chính, ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản;...

Hậu quả do tham nhũng gây ra không chỉ về kinh tế mà nghiêm trọng hơn là làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, xói mòn lòng tin của nhân dân; gây bất bình trong dư luận... Trong 10 năm qua, thiệt hại vật chất do tội phạm tham nhũng gây ra là khoảng 600 tỷ đồng, nhưng mới chỉ khắc phục được hơn 100 tỷ đồng.

Xét xử kịp thời, nghiêm minh

Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả của TAND tối cao, Thành ủy Hà Nội, hai cấp TAND Thành phố đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công tác giải quyết các vụ án tham nhũng đó là đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh và dứt điểm các vụ án tham nhũng.

Các vụ án tham nhũng được xét xử theo đúng yêu cầu về cải cách tư pháp, đảm bảo quá trình tranh tụng diễn ra dân chủ, khách quan, đúng người, đúng tội,... Những vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có những “đại án” được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đều được TAND Thành phố đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bản án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ như vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam với 10 bị cáo phạm các tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ án tham nhũng tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức;...

Qua công tác xét xử tham nhũng, TAND TP Hà Nội cho rằng, đây là một công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi có sự tham gia của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần phải có quyết tâm chính trị cao với chiến lược dài hạn, tổng thể vừa phòng, vừa chống (coi trọng công tác phòng hơn chống) nhưng phải có biện pháp rất cụ thể và sáng tạo.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện tham nhũng. Cần phát huy tính chủ động, tích cực của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong việc phát hiện và cung cấp các chứng cứ cần thiết, sau đó phải xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, tin báo, tố giác của nhân dân về tham nhũng.

Đối với tội phạm tham nhũng cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, không có sự phân biệt giữa các đối tượng tham nhũng. Các ngành tố tụng, cơ quan thanh tra và các cơ quan hữu quan cần chủ động phối hợp hiệu quả trong việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng...

Diệu Anh

Top