Ngành giáo dục: Cần lắng nghe và điểu chỉnh các chính sách về giáo dục

17/04/2019 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Đánh giá cao ngành GD&ĐT Hà Nội đã giữ vững vai trò là trung tâm giáo dục cả nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị ngành giáo dục tiếp tục mục tiêu then chốt lấy con người là trung tâm phát triển, tiếp tục mục tiêu đổi mới toàn diện GD&ĐT.

Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở GD&ĐT - Ảnh: Gia Huy

Tiếp tục dẫn đầu cả nước về GD&ĐT

Báo cáo tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sáng 17/4, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm 2018, cùng với việc đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở các cấp học, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019; 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019; 48 giải tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học quốc tế ITMC 2019.

Năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã xây và thành lập mới 70 trường các cấp. Thành phố đã cải tạo, sửa chữa 387 trường học với 2.450 phòng học mới xây, 2.552 phòng học cải tạo.

Năm 2018, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch (120/80 trường). Toàn thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao, trong đó có 13 trường công lập và 5 trường ngoài công lập.

Lần đầu tiên ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC 2018) có sự tham dự của học sinh quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập quốc tế.

Trong 2 năm 2017-2018, ngành GD&ĐT cũng đã thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 7 trường THCS trên địa bàn Thành phố.

Đối với Chương trình Sữa học đường, toàn thành phố có 82,9% cơ sở giáo dục tham gia; số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia Chương trình đạt 87,7%. Trong đó 16 quận, huyện có tỷ lệ học sinh tham gia trên 90%; đơn vị có tỷ lệ tham gia cao nhất là huyện Mỹ Đức (100% cơ sở giáo dục và 99% học sinh tham gia).

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế như: Xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn; học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa được giải quyết triệt để; có vụ việc liên quan vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sở GD&ĐT kiến nghị, thành phố quan tâm, nâng mức đầu tư để xây dựng các trường THPT khang trang hơn; phấn đấu đến năm 2025 có 100% trường THPT công lập đạt cáp Quốc gia; cho phép bố trí cán bộ chuyên trách, có chuyên môn làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông (không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm)…

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, nhiều đại biểu tiếp tục kiến nghị vấn đề tuyển sinh trái tuyến, đặc biệt có những trường tỷ lệ trái tuyến cao 30%, trong khi nhiều trường tuyển không đủ học sinh. Bên cạnh đó còn tồn tại vấn đề biên chế giáo viên; xã hội hóa còn tập trung ở các trường nội thành...

Cung cấp công khai thông tin đơn vị cung cấp thực phẩm

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, dân số Thành phố mỗi năm tăng 240 nghìn dân, cùng với tăng trưởng dân số là số lượng học sinh các cấp học tăng. Tuy hàng năm tỷ lệ đầu tư trường học mới đều vượt chỉ tiêu đạt ra nhưng việc phân bố không đồng bộ, khiến một số trường học trung tâm bị quá tải. Việc năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT đã xây dựng thêm 72 trường mới. Điều này hết sức ý nghĩa để hệ thống các trường ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục chăm lo đổi mới toàn diện ngành GD&ĐT, quan tâm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chủ thể là học sinh. Với trách nhiệm là những người quản lý, lãnh đạo ngành cần lắng nghe, tiếp thu và điểu chỉnh các chính sách về giáo dục, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử; tăng cường giáo dục truyền thống cho học sinh; nâng cao tính chủ động trong điều chỉnh mạng lưới giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS...

Đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT cung cấp công khai danh mục các đơn vị được cấp thực phẩm vào trong nhà trường và nhấn mạnh các cơ sở phải bảo đảm uy tín, chất lượng về an toàn thực phẩm cho học sinh.

Gia Huy

Top