Ngày đầu Hà Nội giãn cách: Người dân tin tưởng Thành phố sớm khống chế được dịch bệnh

24/07/2021 6:48 PM

(Chinhphu.vn) - Trong ngày đầu giãn cách xã hội, việc nâng cao ý thức và các biện pháp phòng, chống dịch của người dân là vô cùng quan trọng. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng hầu hết các tiểu thương, lái xe hay những người mất việc làm trên địa bàn TP. Hà Nội... và người dân Thủ đô đều chấp hành theo lệnh giãn cách xã hội của Thành phố một cách nghiêm túc nhất để dịch bệnh sớm được khống chế và đẩy lùi.

Rào chắn cấm họp chợ tại trong khu dân sinh để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Trong những qua, người dân Hà Nội đã dần quen với nhịp sống chậm rãi bởi Thành phố dần nâng mức phòng dịch cao hơn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh cho từng thời điểm. Hôm nay (24/7), người dân Thủ đô bước vào ngày đầu tiên triển khai Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách toàn xã hội.

Đây cũng là lần thứ hai kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Thủ đô thực hiện giãn cách nên không còn nhiều băn khoăn, lo lắng bởi tâm lý đã được chuẩn bị trước, sẵn sàng ứng phó và chấp hành mọi quy định của Chính phủ và Thành phố đặt ra. Mặc dù thời điểm giãn cách đúng vào ngày rằm tháng 6, trong sáng nay tại các chợ dân sinh, siêu thị, lượng người đến mua có tăng hơn ngày thường nhưng không diễn ra cảnh chen lấn, đông đúc vào thời điểm ngày rằm như mọi khi.

Hàng hóa phong phú, đa dạng, không tăng giá

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, người dân mua hàng tăng 10-15% so với ngày thường, hàng hoá nhiều, giá cả không tăng.

Theo các tiểu thương ở chợ Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng ở đây được bán quanh năm, lấy uy tín và giữ khách hàng chứ không phải vì lượng khách đông mà tăng giá. “Người tiêu dùng không cần đến cửa hàng, chỉ cần gọi điện thoại là gà được làm sạch và mang đến tận nơi. Giá gà ta lông hôm nay tại các chợ dân sinh phổ biến ở mức 130.000 đồng/kg. Còn giá thịt lợn ở mức 120.000-150.000 đồng/kg tùy loại”, chị Thu Vân, tiểu thương ở chợ Nguyễn Khắc Cần cho biết.

Tại một số chợ truyền thống khác như: Chợ 8/3, Kim Liên, Trung Hòa, Thành Công… hàng hóa phong phú, không thiếu hàng. Giá rau cải 5.000 đồng/bó; mướp 8.000 đồng/kg (như ngày thường); bí xanh 25.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 8.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg (đắt hơn siêu thị 5.000 đồng/kg).

Chợ Nghĩa Tân trong ngày đầu giãn cách vắng vẻ; hầu hết người dân đều chấp hành theo nội dung của Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND TP. Hà Nội, bảo đảm giãn cách... Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, chị N.T.L, tiểu thương (làm nghề bán hoa) tại chợ Nghĩa Tân cho biết: Ngay từ đêm qua khi có lệnh giãn cách xã hội, chị cũng có chút lo lắng vì mặt hàng chị bán không thuộc những nhu yếu phẩm cần thiết được tiêu thụ, buôn bán trong thời điểm này. Trong đợt dịch lần thứ 4, chị cũng như các tiểu thương ở chợ kiếm sống rất chật vật. Nhất là những người kinh doanh mặt hàng nông sản, hoa cây cảnh... như chị, vì lượng sản xuất vẫn như cũ nhưng do dịch bệnh, việc giao thương, tiêu thụ sang các địa phương khác khó khăn, giá thành rẻ đi rất nhiều trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng.

Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương buôn bán quần áo, mỹ phẩm tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, gia đình chị hiện đang thuê ở đây để vừa bán hàng vừa ở, dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Khi nghe tin TP. Hà Nội thực hiện giãn cách từ sáng nay và yêu cầu đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu phục vụ dân sinh, chị cũng lo lắng. Nhưng theo chị Thúy, nếu không thực hiện thì dịch bệnh sẽ lây lan nhanh và không thể kiểm soát. Như vậy, cuộc sống và sức khỏe không chỉ của gia đình chị mà của mọi người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế chị và gia đình luôn chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố về phòng chống dịch bệnh để dịch sớm được khống chế và đẩy lùi. Chị cũng mong chủ nhà cho thuê giảm bớt chi phí cho các hộ kinh doanh để họ yên tâm và ổn định cuộc sống, công việc sau khi dịch bệnh hết.

Hàng hóa, thực phẩm tại các siêu thị được cung ứng đầy đủ, phong phú. Ảnh: VGP/Kim Liên

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh mà tại các siêu thị hàng hóa rất phong phú, đa dạng. Tại siêu thị Big C Thăng Long sáng nay, lượng hàng hóa liên tục được nhân viên bổ sung vào các kệ hàng. Lượng người vào siêu thị mua hàng ở mức như ngày thường, riêng đối với mặt hàng trứng, siêu thị quy định người mua không quá 3 vỉ/ngày. Tương tự, tại một số siêu thị như: Vinmart Võ Thị Sáu, VinMart … lượng khách đến mua sắm bình thường. Các siêu thị đều cho biết, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Nguồn cung thực phẩm liên tục được nhân viên các siêu thị bổ sung lên kệ. Hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.

Tại quận Hà Đông, không còn cảnh chen chúc mua hàng dự trữ nữa. Các hệ thống siêu thị như BigC Hà Đông, Vinmart, Coopmart... hàng hoá được nhập liên tục hằng ngày, luôn bảo đảm đủ lượng hàng để cung cấp cho bà con trong khu vực đến mua sắm.

Người dân mua bán, tụ tập bất chấp quy định phòng dịch tại đường Nguyễn Thị Thập, quận Thanh Xuân. Ảnh: VGP/Thùy Trang

Tuy nhiên, tâm lý tích trữ thực phẩm vẫn tồn tại ở một số nơi. Nhiều người dân đã đổ xuống chợ tự phát ở đường Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân) để mua sắm, tích trữ thực phẩm vì lo sợ thiếu hàng, tăng giá. Điều này khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng rất cao.

Chị Nguyễn Thị Vui, tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) cho biết: “Sáng sớm nay rất nhiều người đi chợ với tâm lý mua tích trữ nên việc mua bán diễn ra khá vất vả. Đa số là các bác lớn tuổi mua hàng vì sợ cấm chợ mặc dù chúng tôi có giải thích là chợ vẫn bán bình thường nhưng tâm lý số đông khiến người đi mua cũng khổ mà người bán cũng khổ. Mua khổ vì nhiều người dân ra tận chợ đầu mối để mua hàng cùng chúng tôi nên nhiều khi không còn hàng bán buôn, mua được về chợ thì mọi người cũng tranh nên nhiều khi rau, củ tươi còn lại bị giập nát nhiều, rất lãng phí”.

Anh Nguyễn Hoàng Trung, Cửa hàng Dụng cụ thể thao Minh Phú Sport, Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết lượng bán các dụng cụ thể thao tại nhà của cửa hàng anh đã tăng vọt trong những ngày qua. “Điều này chứng tỏ nhiều người dân đã có tâm lý chuẩn bị sinh hoạt tại nhà rất bài bản, tôi hy vọng mọi người vừa rèn luyện được sức khoẻ trong mùa dịch, vừa coi hoạt động thể thao trong nhà có thể giải trí và mang lại cảm giác tích cực cho mọi người”, anh Trung cho biết.

Đa số các cửa hàng đều đóng cửa trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND nghiêm túc, kịp thời

Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng vì không đủ kinh phí trang trải. Chị N.T. Thu kinh doanh quần áo ở Nguyễn Văn Cừ chia sẻ, chị cũng cố gắng duy trì qua 3 mùa dịch nhưng đến đợt dịch lần thứ 4, chị phải trả lại cửa hàng vì không đủ kinh phí thuê và hàng cũng không thể bán được. Tuy nhiên chị và gia đình đều đồng tình với những quyết sách của Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh để cuộc sống của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung sớm trở lại bình thường.

Chị Ngô Thu Hồng, Giám đốc Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu và Lữ hành quốc tế Việt Mỹ cũng chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi thuộc khu vực bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất trong gần 2 năm nay. Mặc dù công việc bị ảnh hưởng nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của TP. Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh hết, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển và ổn định, chúng tôi yên tâm làm ăn và sinh sống, lo cho đời sống của gia đình và công nhân”.

Anh N.V.H, làm nghề lái taxi cho biết, theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, anh phải dừng hoạt động để bảo đảm tốt nhất cho phòng chống dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Đặc thù nghề lái xe phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều khách hàng, mặc dù luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sử dụng sát khuẩn tay và để khách ngồi hàng ghế dưới... nhưng theo anh H, việc lái xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm. Thực tế trong các đợt dịch trước đã có nhiều lái xe bị mắc COVID-19 nên bản thân anh rất lo ngại, cũng chỉ vì mưu sinh nên anh vẫn phải tiếp tục làm nghề. Anh H. cho rằng đây là chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành phố, cần thiết trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Anh rất tin tưởng với quyết sách đúng đắn này của chính quyền Thành phố, sau 2 tuần nữa Hà Nội sẽ khống chế được dịch bệnh.

Chị Vũ Thị Minh Thu. Ảnh: VGP/Minh Anh

Chị Vũ Thị Minh Thu ở Ngọc Khánh, Ba Đình cho biết, công việc của chị là bán hàng online đồ ăn uống và tiêu dùng. Được biết từ sáng nay Hà Nội thực hiện giãn cách, chị rất ủng hộ. Chị Minh Thu cho biết, chị không cảm thấy ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của chị và gia đình. Các siêu thị có đầy đủ hàng hóa thiết yếu, nên chị thấy rất yên tâm. Gia đình chị chắc chắn sẽ chấp hành tốt Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố. Hằng ngày chị vẫn theo các lớp học online để bổ sung kiến thức dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe để tinh thần trong những ngày chống dịch luôn mạnh khỏe và an vui.

Bà Phạm Thị Liên. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bà Phạm Thị Liên (cán bộ về hưu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ ủng hộ quyết định của chính quyền TP. Hà Nội. Theo bà Liên, để có những phương án, chiến lược chống dịch tốt, phải có cách nhìn hệ thống, xuất phát từ việc đánh giá hiện trạng, khả năng của hệ thống y tế, xã hội, xác định thật đúng mục tiêu rồi mới đưa ra các phương án, kịch bản chống dịch cho thích hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố, nâng cấp hệ thống y tế để sẵn sàng chống dịch: xây bệnh viện dã chiến; nâng cấp, chuyển đổi công năng một số bệnh viện; mua sắm, trang bị các thiết bị y tế cần thiết… và đặc biệt là huy động hết nguồn nhân lực, bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế. Và điều quan trọng hàng đầu là tiêm vaccine và việc này hiện nay đang được Chính phủ nỗ lực hết sức để có được vaccine, tiêm phòng cho người dân.

Ông Lê Thành Long. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Là một người dân sống tại Phường Ngọc Hà, ông Lê Thành Long cho biết, dịch bệnh bùng phát đợt thứ 4 diễn biến rất phức tạp với độ nguy hiểm cao hơn, quy mô lây lan lớn hơn. Việc TP. Hà Nội sớm ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND thực hiện theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết và đúng đắn lúc này. Bản thân ông Long và gia đình luôn ủng hộ và chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch mà Nhà nước đã đề ra. Ở nhà cách ly tuy cuộc sống có bất tiện trong sinh hoạt nhưng đây là việc làm cần thiết vì sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội và tiến lên phía trước.

Theo bà Phạm Tuyết Trang (phường Đội Cấn, quận Ba Đình), khi Hà Nội thực hiện giãn cách, bà cũng lo lắng có thể thiếu hụt lương thực thực phẩm, nhưng nay ra chợ và siêu thị, tuy phải thực hiện giữ khoảng cách lâu hơn một chút nhưng hàng hóa thiết yếu rất dồi dào, giá cả không tăng là mấy, nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn giữ giá. Có được điều này, bà Trang nghĩ rằng chính quyền Thành phố đã có các kịch bản và chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa và nhu yếu phẩm cho nhân dân. Bà Trang mong muốn, những ngày cách ly, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân, tránh tình trạng hàng hóa khan hiến, giá cả tăng cao gây khó khăn và thiệt hại cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Bà Phạm Tuyết Trang. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Anh Lê Quang Hải là một công dân ở Tổ 16, phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng cho rằng, Chỉ thị rất thiết thực và kịp thời: “Qua các đợt dịch vừa rồi mọi người đã tự ý thức, tự chuẩn bị các cách bảo vệ cho chính mình, cho gia đình và toàn khu dân cư cũng như toàn xã hội nên tôi thấy cũng không có xáo trộn gì cả”. Anh Hải cũng cho biết, cá nhân anh mong việc giãn cách này được thực hiện nghiêm túc sẽ sớm khống chế dịch bệnh và đưa hoạt động kinh doanh sản xuất, cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Điều quan trọng là người dân phải khai báo y tế thường xuyên, hạn chế ra khỏi nhà và tuân thủ mọi quy định giãn cách mà Thành phố đã quy định.

Nhóm PV

Top