Ngày Giải phòng Thủ đô qua ống kính đạo diễn điện ảnh Xô Viết Roman Karmen

09/10/2021 2:06 PM

(Chinhphu.vn)- Ngày giải phóng Thủ đô cách đây 67 năm, nhiều phóng viên nước ngoài đã đến Hà Nội để chứng kiến và ghi lại những diễn biến, không khí của ngày quân đội Việt Nam về giải phóng, tiếp quản Thủ đô. Roman Karmen (1906-1978), đạo diễn điện ảnh, nhà quay phim tài liệu - thời sự kiệt xuất của Liên bang Xô Viết trước đây cũng có mặt ở Hà Nội trong dịp này.

Nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh Xô Viết Roman Karmen đã ghi lại những tư liệu quý trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Roman Karmen đến Việt Nam từ tháng 5/1954, chỉ sau chiến thắng Điên Biên Phủ ít ngày, để làm bộ phim tài liệu thời sự “Việt Nam”, mà sau này chúng ta được biết đến với tên gọi: “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Phim đã được công chiếu ở Việt Nam năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài bộ phim Roman Karmen còn viết cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu”, ghi lại chuyến đi đầy gian khổ, nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp của đoàn làm phim của ông đến Việt Nam để làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu” như một bản thuyết minh chi tiết cho bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”.

Trong cuốn sách, Roman Karmen dành nhiều trang viết về chặng đường từ chiến khu Việt Bắc đoàn làm phim của ông đã theo chân các đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, đặc biệt là những hoạt động cũng như không khí của ngày Thủ đô được giải phóng. Tuy không thể phản ánh được hết, nhưng những trang viết tỉ mỉ, chân thực, với những nhận xét hết sức tinh tế, hóm hỉnh của đạo diễn điện ảnh tài ba Roman Karmen đã giúp chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hình dung được những giây phút lịch sử hào hùng của dân tộc ta gần 70 năm về trước, ngày Thủ đô thân yêu được giải phóng.

Roman Karmen viết, tối ngày 7 tháng 10, đoàn làm phim gồm 3 nhà điện ảnh Xô viết và một số đồng nghiệp Việt Nam được Ủy ban Quốc tế và chính quyền quân sự Pháp cấp giấy phép cho vào Hà Nội. “Một tờ giấy trắng “Laisser passer” do đại tá De Vinter, chỉ huy vùng chiến thuật Hà Nội ký, cho phép vượt tuyến ngăn cách quân đội hai bên, và tự do đi lại trong Hà Nội trong tình trạng thiết quân luật theo lệnh người Pháp”.

Đoàn làm phim khi đến Hà Nội đã ghi lại nhiều hình ảnh đặc biệt ấn tượng về người Pháp và quan lại Bảo Đại lặng lẽ rút khỏi thành phố Hà Nội như thế nào.

Đó là cảnh bên Hồ Hoàn Kiếm thanh vắng chỉ có những chiếc xe “Jeép” của Pháp phóng như điên dại, dường như để tận hưởng những giây phút cuối cùng được ngự trị ở Việt Nam…

Ở thời điểm này, ống kính của Roman Karmen thu được những hình ảnh đối lập nhau. Cảnh quân Pháp lặng lẽ rút lui, cảnh nhân dân hân hoan chào đón. Con mắt và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đã thu vào ống kính cảnh “phố xá hoang vắng hầu như đang chết đi bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt ra đi còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức trên đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỷ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng, hát ca, cười. Chiếc xe các sĩ quan Việt Nam tươi cười và viên thiếu tá Pháp đứng tuổi cúi gục khó khăn lách đi mãi đến trung tâm, bám sát theo những chiếc xe bọc sắt ra đi”…

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Những thước phim của ông đã ghi lại những tên lính cuối cùng rút khỏi Hà Nội và quân đội Việt Nam đứng vào bảo vệ các tòa nhà băng Đông Dương, Bưu điện chính, dinh Toàn quyền Đông Dương, chiếm lĩnh toàn bộ khu trung tâm và tiến ra hồ Hoàn Kiếm. “Hàng ngàn lá cờ Việt Nam tung bay trên các cửa sổ, mọc lên trên các cột đèn, những băng khẩu hiệu chào quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Lao động Việt Nam được căng lên ngang đường phố. Những tấm băng với chữ vàng, những lá cờ, những tấm chân dung lãnh tụ đó đã được chuẩn bị bao đêm trong những căn nhà người dân Hà Nội cửa đóng then cài, bất chấp cái chết đe dọa”.

Và sáng 10 tháng 10, Hà Nội long trọng đón chào các đơn vị chủ lực của quân đội nhân dân. Từ hai hướng, các đơn vị cơ giới và pháo binh của Đại đoàn 308 quang vinh tiến vào Thủ đô.

“Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội từ phía tây. Một trận mưa hoa đổ xuống những chiến sĩ của trung đoàn vừa bước chân qua ranh giới thành phố. Trận mưa hoa không ngớt kéo dài suốt đường hành quân của trung đoàn. Hà Nội đã đón chào những người giải phóng của mình bằng những tiếng reo hào hùng, bằng lời ca và những tràng vỗ tay. Những năm tháng áp bức khốc liệt của bọn thực dân, những năm tháng dưới họng sung tự động, những năm tháng của đấu tranh và niềm tin vào ngày giải phóng đã lùi lại phía sau”.

Ống kính của Roman Karmen đã dõi theo Trung đoàn Thủ đô dưới sự chỉ huy của anh hùng Nguyễn Quốc Trị, “trên đầu anh phấp phới lá cờ trung đoàn đã bạc màu vì mưa gió, khói súng và bụi đường, thủng lỗ chỗ vì mảnh bom đầu đạn, được mang theo năm tấm huy chương”…

Các đồng nghiệp của ông thì quay ở những vị trí khác. Tất cả đều ghi lại những diễn biến lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô. Cảnh đồng đội gặp nhau trong ngày giải phóng thật cảm động. “Bởi vì mỗi cuộc quen biết với người ở rừng trong thời gian chiến tranh đều kết thúc bằng những lời: “Hẹn gặp lại tại Hà Nội”. Những lời ấy vào ngày 10 tháng 10 đã trở thành hiện thực trên mỗi ngã tư đường phố Hà Nội”.

Sau ngày giải phóng, đoàn làm phim còn ghi lại những hình ảnh một Hà Nội trở lại hoạt động bình thường ở khắp cả 36 phố phường. Gần 6 nghìn cửa hiệu tư nhân lớn và nhỏ đều hoạt động. Cả 8 cái chợ cùng đều mở, và tất cả các nhà buôn- chủ các cửa hiệu- ngay trong ngày đầu giải phóng đã bắt đầu nhận các đồng tiền của nước cộng hòa, trước khá lâu thời hạn đổi tiền Đông Dương lấy đồng tiền mới. Nhà máy điện, nhà máy nước, tàu điện, liên lạc điện tín hoạt động không ngừng.

Vào những ngày đầu sau giải phóng, Roman Karmen đã tiếp tục quay những cảnh Hà Nội đã sống như thế nào trong những ngày đầu tiên ấy. Đó là hình ảnh đồng chí Trần Duy Hưng, bận rộn điều hành các công việc sau ngày tiếp quản Thủ đô. Ông đã kể vắn tắt cho Roman Karmen nghe về bối cảnh Hà Nội lúc này. Ông nói, trật tự đã được thiết lập một cách chu chỉnh thế nào ngay từ ngày đầu tiên sau giải phóng. Các cán bộ tuy còn ít kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực quản lý thành phố, nhưng với sự giúp đỡ của nhân dân, họ đã hoàn thành được nhiêm vụ phục hồi cuộc sống thường nhật trong thành phố! Yên ổn và trật tự - điều đó là tất cả những gì cư dân Hà Nội mong muốn…

Chắc rằng nhiều người đã xem bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, nhưng nếu được đọc thêm cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu đọc, sẽ cảm nhận được không khí Ngày Giải phóng Thủ đô một cách đầy đủ hơn.

Hà Nội đang kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 trong điều kiện dịch COVID-19 bước đầu đã được kiểm soát. Mong một ngày gần nhất, cuộc chiến chống đại dịch thành công, nhân dân hân hoan đón chào ngày hạnh phúc bình yên trọn vẹn, như chào đón Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây gần 70 năm, qua ống kính của Nghệ sĩ- Đạo diễn điện ảnh Xô Viết Roman Karmen.

Phạm Thị Lai

Top