Người dân mua hàng online tăng hơn trong đợt giãn cách

02/08/2021 1:08 PM

(Chinhphu.vn) - Sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội, các hoạt động mua sắm bên ngoài được người tiêu dùng Thủ đô giảm thiểu tối đa, thay vào đó là xu hướng tập trung mua hàng online, chủ yếu là thực phẩm để hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người.

Người dân mua hàng online tăng hơn trong đợt giãn cách. Ảnh minh họa

Thông tin từ các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C Thăng Long, Hapro, BRG, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market Việt Nam… cho thấy, ngay trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội đơn mua hàng online của người dân đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, các đơn đặt hàng online của hệ thống siêu thị BRG Mart, Hapro tại Hà Nội tăng gấp 5 lần so với trước khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Tương tự, hệ thống AEON Việt Nam cũng ghi nhận đơn hàng tăng gấp 3-5 lần so với trước. MM Mega Market, thậm chí có đơn hàng online tăng 15 lần, LotteMart cũng tăng 500%... Siêu thị Co.opmart ghi nhận hơn 800 đơn hàng online/ngày.

Theo chia sẻ của các bà nội trợ, việc đặt hàng hóa, thực phẩm online vừa tiết kiệm thời gian lại hạn chế được việc tiếp xúc nơi đông người, chấp hành nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội.

Sau vài ngày đầu lúng túng lo cho bữa ăn hằng ngày của cả gia đình khi siêu thị gần nhà phải tạm đóng cửa và khu chợ tạm cách đó không xa cũng bị giăng dây để phòng chống dịch, chị Nguyễn Thị Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị đã chuyển sang “đi chợ” trên ứng dụng đặt hàng online như GrabMart, VinID,…và thành thục cách mua hàng cũng như tìm thực phẩm cần thiết có giá tốt.

Chị Thu cũng cho biết, thực phẩm trên app đa dạng, phong phú, được phân loại theo từng danh mục, dễ dàng cho người mua chọn lựa theo nhu cầu mà không cần ra khỏi nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội. “Tôi có thể dễ dàng vào ứng dụng này để chọn siêu thị, cửa hàng gần nhà, sau đó chọn thực phẩm theo từng nhóm như thịt, hải sản, rau củ, trái cây… và chọn thanh toán qua thẻ. Nhờ đó, tôi không còn phải lo lắng việc mình tiếp xúc với nhiều người như mua trực tiếp tại chợ”, chị Thu chia sẻ.

Chị Bùi Phương Tâm (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây vào mỗi buổi sáng, chị thường đi chợ để mua đồ ăn cho cả gia đình, nhưng từ đợt dịch lần thứ 4 này, chị đã quen với hình thức đặt hàng online.

“Mua hàng online thì cũng chủ yếu mua ở những nơi quen, tin tưởng. Mình thường đặt thực phẩm online rồi nhận vào những giờ cố định như sau giờ đi làm. Nhiều khi đặt hàng online từ người bán quen, sau đó nhờ shipper treo hàng ở cửa nhà, tiền hàng thì chuyển khoản cho người bán để hạn chế tiếp xúc”, chị Tâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam cho biết, giá niêm yết các mặt hàng được bán trên kênh online cũng là giá bán ở siêu thị. Người tiêu dùng được hưởng đầy đủ các chương trình khuyến mãi khi mua hàng online. Từng bộ phận ngành hàng đều có nhân viên phụ trách giúp khách chọn thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu.

Phương thức đi chợ hộ, mua sắm online không chỉ giúp bà nội trợ mua sắm an toàn trong thời điểm giãn cách mà còn tiết kiệm hơn nhờ nhiều chương trình khuyến mãi. Nhiều nhà bán lẻ giao hàng miễn phí, một số nơi còn tặng mã giảm giá, miễn phí vận chuyển khi đơn hàng đạt giá trị tối thiểu. Với hình thức khuyến mãi này, người tiêu dùng mua hàng qua app, web sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với mua sắm trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng.

Tạo điều kiện cho ‘shipper’ vận chuyển hàng hóa

Mặc dù khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa theo hình thức online nhưng thực tế tại các sàn thương mại điện tử, hiện nhiều đơn hàng đang bị ùn ứ do không thể giao đến khách hàng. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng bị xếp vào danh sách "không thiết yếu" như bỉm, sữa… và shipper chưa được cấp phép vận chuyển dẫn tới tỉ lệ hoàn trả đơn hàng tăng cao đột biến.

Theo Tổng Giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo Trần Hải Linh, việc hoàn trả đơn hàng tăng cao do thiếu shipper, không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển cũng như gây mất niềm tin ở người dùng.

Để khắc phục bất cập này, trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện việc lập danh sách cấp thẻ vận chuyển hàng hóa cho các shipper giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn Thành phố; nhân viên bưu tá.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 31/7 đơn vị đã lập danh sách gần 2.000 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ như Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt, siêu thị Big C Thăng Long; Fuji Mart, Co.op Mart,  MM Mega Market Việt Nam, siêu thị Mường Thanh và  Trung tâm thương mại Lotte, AEON... Ngoài ra, Sở TT&TT cũng gửi thêm thông tin của 14.484 shipper. Hiện Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, số lượng những shipper còn lại sẽ tiếp tục được xét duyệt.

Có thể thấy, với việc chủ động nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống dịch như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Diệu Anh

Top