Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp

11/01/2021 10:10 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc thực hiện chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã 2012, hiện nay, huyện Thanh Trì cũng đang tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Ảnh: Thiện Tâm.

Từ khi hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo dựng nên những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì cho biết, xuất phát từ thực tế nuôi cá truyền thống năng suất thấp hiệu quả không cao, lại được đi học tập, tham quan mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá sông trong ao tại nhiều nơi, trên diện tích 15 ha, hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đầu tư áp dụng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao” với quy mô 15 bể nuôi. Các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, hệ thống xử lý nước thải và oxy hóa. Hiện nay, mô hình đạt sản lượng khoảng 300 tấn cá/năm, cho doanh thu trên 7 tỷ đồng, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì cho biết, toàn huyện Thanh Trì hiện có 39 hợp tác xã nông nghiệp chiếm khoảng 60,5% tổng số hợp tác xã trong toàn huyện. Trong năm 2019, huyện Thanh Trì cũng đã thành lập mới 3 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ khi chuyển đổi mô hình hợp tác xã theo Luật 2012, các hợp tác xã cũng đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước liên doanh, liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện ích để tiêu thụ sản phẩm. Như hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ sau khi thành lập năm 2017 với 100 thành viên liên kết phát triển mô hình rau thủy canh. Hiện nay, hợp tác xã cũng đã ký kết bao tiêu sản phẩm với các Công ty chế biến và các siêu thị đạt 450 tấn/tháng, doanh thu 10 tỷ/năm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, theo xu hướng mới, hợp tác xã không chỉ đơn thuần làm những dịch vụ công ích mà phải đem lại lợi nhuận thực sự cho các thành viên. Vượt lên những khó khăn, các hợp tác xã đã phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng vùng sản xuất, thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên hợp tác xã. Điều này thể hiện qua các hoạt động đóng góp tích cực vào phát triển, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, tham gia chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã nhanh chóng thích ứng với thị trường, chủ động tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp các thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để tạo động lực mới cho các hợp tác xã phát triển, huyện Thanh Trì cũng đang nỗ lực hỗ trợ cho các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết để hỗ trợ cho các hợp tác xã theo Nghị định 98 của Chính phủ về hỗ trợ HTX tham gia liên kết chuỗi. Cùng với đó sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, để sản phẩm của các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất an toàn, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thiện Tâm

Top