Nhiều hoạt động văn hoá truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long

20/01/2017 2:22 PM

(Chinhphu.vn) – Sáng 20/1, vào đúng vào ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã khai mạc chương trình "Mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu" năm 2017.

Dựng cây nêu ngày Tết. Ảnh: Diệp An

Đây là hoạt động thường niên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về nhằm trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo, những hoạt động văn hoá truyền thống đến với người dân và du khách.

Trong đó, triển lãm tranh Tết truyền thống Việt Nam đem đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc, toàn diện về lịch sử hình thành, những nét độc đáo của ba dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ. Trong đó, lần đầu tiên sau hơn bảy thập kỷ thất truyền, tranh Kim Hoàng đã ra mắt công chúng. Sự hồi sinh của tranh Kim Hoàng nhờ vào nỗ lực của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội - một bảo tàng tư nhân trên địa bàn. Trong những mẫu tranh Kim Hoàng được giới thiệu, mẫu Thần kê được nhiều người chú ý bởi Tết năm tới chính là năm con gà.

Triển lãm ảnh di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam (Vietnam Heritage Photo Awards 2016), đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về vẻ đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam muôn màu, muôn vẻ và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khuôn khổ chương trình còn có triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo "ngự hàn viên long", áo đoạn kép của chúa Trịnh; Hoàng bào đại triều mùa xuân – hạ của Hoàng đế nhà Nguyễn; áo "cát phục viên long" của vua Đồng Khánh… Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.

Giới thiệu các dòng tranh dân gian tiêu biểu. Ảnh: Diệp An

Tại sân Đoan Môn được trang trí một số mô hình tiểu cảnh hoa với hình ảnh Rồng chầu, hình ảnh giỏ hoa và biểu tượng Cung chúc tân xuân, kết hợp trưng bày cây cảnh nghệ thuật với dáng thế độc đáo như “Ngũ phúc”, “Phượng bay”, “Huynh đệ”, “Rồng sa”, “Sóng đôi”, “Long hội”, “Phượng vũ”… tạo hiệu ứng màu sắc, hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân, tạo thêm không gian thưởng ngoạn cho du khách.

Nhân dịp này, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng tiến hành trưng bày tại chỗ và mở cửa phục vụ khách tham quan khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ, với nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu như: dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng và thời Lý; dấu tích bó nền gạch, đường đi lát gạch; dấu tích kiến trúc thời Lý; hệ thống bó nền gạch, sân gạch vồ; dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích đường nước thời Lý… Đồng thời tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên trong tương lai.

Diệp An

Top