Những lát cắt sau 7 ngày Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội

31/07/2021 8:28 AM

(Chinhphu.vn) - Thay đổi thói quen sống hằng ngày, tập thích ứng với cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh, chấp nhận có xáo trộn để"ở đâu thì ở yên chỗ đó", theo dõi thông tin chặt chẽ hơn... chính là sự ủng hộ của người dân đối với Chỉ thị 17/CT-UBND - một quyết định quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội.

Hà Nội những ngày giãn cách cuộc sống người dân có thay đổi nhưng đại bộ phận người dân Thủ đô đều đồng thuận chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ và Thành phố với mong muốn dịch bệnh mau qua để trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh chụp trên phố Đinh Hoàng trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND. Ảnh: Gia Huy

Thích ứng với cuộc sống

Tỉnh dậy vào sáng sớm ngày 27/7, chị Thái Hòa (tổ 4, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) bắt đầu công việc thường xuyên là đi chợ cho gia đình. Nhưng khác với mọi khi, từ chiều 26/7, phường Đức Thắng đã phát cho các hộ gia đình "Phiếu kiểm soát phòng chống dịch" cho cả 5 người trong gia đình chị. Mỗi gia đình chỉ được cấp 1 bản, dùng trong trường hợp cho 1 người ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết.

Cầm "phiếu đi đường" này, thay vì chợ đầu mối trên địa bàn quận, chị Thái Hòa chỉ có thể đến các chợ trong phạm vi của phường Đức Thắng. Tuy có sự bất tiện nhưng chị Hòa cho biết, sự thắt chặt của chính quyền phường là cần thiết. "Phường Đức Thắng đã có ca F0, có các ca F1, F2 lác đác trong các tổ dân phố..., hạn chế người ra đường là cần thiết cho địa bàn vào lúc này. Gia đình tôi các con được nghỉ học, cơ quan đã thông báo làm việc luân phiên nên tôi sẽ đi chợ 1 lần cho nhiều ngày tới", chị Hòa cho biết.

Đức Thắng là phường đầu tiên trên địa bàn Hà Nội áp dụng việc kiểm soát, hạn chế người dân ra đường không cần thiết qua việc phát “phiếu đi đường”. Từ ngày 26/7, phường Đức Thắng đã tổ chức phát hơn 2.500 “phiếu đi đường” cho các hộ dân thuộc 8 tổ dân phố trên địa bàn. Phiếu nhằm hạn chế người ra đường, mỗi hộ gia đình chỉ được ra ngoài 1 lần/ngày để đi chợ, mua hàng hóa cần thiết, kiểm soát chặt những trường hợp ra ngoài không cần thiết. Từ sáng 28/7, những trường hợp không có "phiếu đi đường" đi vào khu vực phường Đức Thắng đều yêu cầu quay về nhà, phiếu này chỉ có tác dụng trên địa bàn phường.

Đi chợ - việc thường ngày của mỗi gia đình tại Thủ đô cũng có sự thay đổi. Tây Hồ là quận tiên phong của Hà Nội triển khai cấp phiếu đi chợ theo giờ cho người dân trên địa bàn theo ngày chẵn, lẻ và theo khung giờ vào buổi sáng, từ khung giờ 5h30 đến 6h30 và buổi chiều từ 15h30 đến 16h30.

Chị Minh Phương (phường Nhật Tân) cho biết, ban đầu thấy bất ngờ khi phường phát phiếu đi chợ đến tận nhà, nhưng chị cho rằng đây là việc cần thiết nhằm đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Từ thói quen ngày nào cũng đi chợ, chị Phương chuyển đi chợ 1 lần cho 2-3 ngày hoặc qua các ứng dụng đi chợ của siêu thị.

Đánh giá về mô hình này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho đây mô hình là cần thiết để bảo đảm giãn cách, từ đó yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai. Ngành Công Thương được giao nghiên cứu ban hành 1 mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn Thành phố. 

Theo dõi thông tin chặt chẽ hơn để phòng dịch bệnh

Hơn 23h đêm ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố.

Trong 1-2 ngày đầu tiên triển khai Chỉ thị, nhiều người dân theo thói quen sáng sớm hoặc chiều tối đạp xe, chạy bộ, tập thể dục tại nơi công cộng... Trước tình trạng này, lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm hạn chế người dân ra đường không vì lý do cần thiết.

Trong 5 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng Thành phố đã xử phạt hành chính số tiền hơn 4,6 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với lý do: Không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách... Đến sáng 30/7, Công an TP. Hà Nội cho biết, so với ngày trước đó, các trường hợp vi phạm đã giảm đáng kể (gần 45%), người dân đã nâng cao ý thức chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND Thành phố, hạn chế ra ngoài, tập trung đông người...

Ở tại phường Ngọc Hà, nhà ngay gần Hồ Tây, chị Quỳnh Hoa có thói quen đi bộ hằng ngày ở phố Nguyễn Đình Thi là tuyến phố ven Hồ Tây. Nhưng từ đợt dịch thứ 4 xảy ra tại Thành phố, chị Hoa nghĩ tới biện pháp thay thế khi mua xe đạp tập thể dục trong nhà. “Đây là tập thể dục văn minh trong mùa dịch”, chị Hoa chia sẻ về cách duy trì thói quen tập hằng ngày mà không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với nhiều người, góp phần chống dịch cùng Thành phố.

Cạnh nhà chị Hoa, các cô, các bác về hưu giờ có thói quen xem thông tin tình hình dịch bệnh ở mỗi khung giờ công bố của Bộ Y tế hoặc của Thành phố. Người dân cũng theo dõi đầy đủ các bản tin thời sự, cập nhật về diễn biến dịch bệnh trên toàn quốc, nắm rõ các chỉ đạo, các biện pháp của Chính phủ, của TP. Hà Nội đang triển khai quyết liệt để chống dịch trong tình hình dịch bệnh gia tăng dẫn đến giãn cách xã hội.

Nhờ theo dõi thông tin chặt chẽ hơn từ đợt dịch thứ 4, từ lâm lý tích trữ mỗi khi Thành phố có ca bệnh cần kiểm soát chặt, ngừng hoạt động một số dịch vụ thiết yếu, người dân Thủ đô đến nay đã bình tĩnh hơn để không tích trữ thực phẩm quá nhiều. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố ổn định, các doanh nghiệp, siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa gấp 3 tháng bình thường, tăng 30% lượng hàng trên các quầy, kệ. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định; tại chợ dân sinh hàng hóa được tiểu thương dự trữ, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Người dân cũng quen và chấp hành khi ở đầu ngõ, đầu phố xuất hiện các chốt cơ động phòng, chống dịch COVID-19, chuẩn bị đủ giấy tờ, thu xếp công việc để tránh ra khỏi nhà khi không cần thiết, chấp hành việc điều tiết, kiểm tra của lực lượng chức năng tại các chốt cơ động. Các quận, huyện, thị xã đã căn cứ tình tình hình thực tế tổ chức các chốt kiểm soát, bổ sung lực lượng dân phòng, thanh niên, dân quân, thanh niên tình nguyện tại các chốt cơ động để kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, không để dịch bệnh COVIDd-19 lây lan.

Nội dung chính của Chỉ thị số 17/CT-UBND là bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu phải làm chặt chẽ từ gốc, bố trí các chốt kiểm soát từ thôn, xóm; huy động thêm các lực lượng và có phương án chuẩn bị phục vụ dài ngày.

"Đoàn kết đánh bay corona", “ở nhà là đoàn kết”, “ở nhà là yêu nước”… là những câu nói xuất hiện trên mạng xã hội gần đây - những câu nói chỉ xuất hiện có ở thời điểm khi đất nước đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Hôm nay, thứ Bẩy (ngày 31/7), Hà Nội bước sang ngày thứ 8 và là tròn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Những lát cắt của cuộc sống của người dân Thủ đô trong 1 tuần qua cho thấy người dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, giải pháp, biện pháp cấp bách hay lâu dài mà Chính phủ cũng như TP. Hà Nội đang triển khai để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Một số hình ảnh trong 1 tuần Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17:

Người dân đi chợ tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh Gia Huy
Đo nhiệt độ cho người dân trước khi vào chợ Nhật Tân. Nhật Tân là phường đầu tiên cấp phiếu đi chợ theo giờ cho người dân trên địa bàn theo ngày chẵn, lẻ và theo khung giờ. Ảnh Gia Huy
Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, các doanh nghiệp, siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa gấp 3 tháng bình thương. Ảnh Gia Huy
Lực lượng tình nguyện thốt kiểm soát cơ động phường Ngọc Khánh, giải thích cho người dân việc cần phải có giấy xác nhận đi lại… Ảnh Thu Cúc
Một người dân không đeo khẩu trang tại chốt cơ động (phố Đào Tấn, quận Ba Đình) sáng 30/7 đã được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định. Ảnh Thu Cúc

Gia Huy

Top